“Bún chửi” bước ra thế giới - Tự hào hay xấu hổ?

Mới đây, kênh truyền hình CNN vừa phát một phóng sự về quán "bún chửi" ở Hà Nội đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi dữ dội trên các diễn đàn trong nước về việc “Bún chửi” bước ra thế giới - Tự hào hay xấu hổ?

Ẩm thực hay văn hóa?

bun chui buoc ra the gioi tu hao hay xau ho
Ông Anthony Bourdain bình luận: "Đây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà" và gọi đó là "món ăn đặc sắc của Việt Nam" - Ảnh cắt từ clip của CNN.

Parts Unknown là một chương trình giới thiệu ẩm thực và văn hóa của các nước trên thế giới. Chương trình được dẫn dắt bởi đầu bếp nổi tiếng người Mỹ - Anthony Bourdain - người từng ăn bún chả với Tổng thống Obama trong dịp ghé thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016.

Điều ngạc nhiên là quán bún nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, mà nhiều người biết đến với tên bún chửi Ngô Sĩ Liên được chọn làm chương trình mở màn trong mùa 8 của series Parts Unknown.

Quán bún này của bà Thảo tại chợ Ngô Sĩ Liên có tuổi đời hơn 10 năm và là một trong những quán bún chửi nức tiếng khắp Hà Thành. Quán chuyên bán các món bún như: Bún sườn móng giò, bún dọc mùng... Chỉ là quán bún dọc mùng với chân giò, lưỡi lợn nhưng theo phản ánh của nhiều thực khách, nếu ai đó cao hứng hỏi han hay thắc mắc gì lập tức sẽ bị “ăn chửi” của chủ quán. Trong chương trình phát trên CNN, chủ quán với vẻ mặt rất khó chịu, trả lời một nữ thực khách gọi món bún mọc một cách bất cần: "Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Mà tốt nhất là về nhà tự nấu lấy mà ăn nhé. Ở đây không làm. Đi luôn".

Chính Anthony Bourdain cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên trước màn chửi khách hàng của chủ quán. Ông bình luận: "Đây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà" và gọi đó là "món ăn đặc sắc của Việt Nam". Qua lời giới thiệu của một đầu bếp và người giới thiệu văn hóa nổi tiếng bạn bè quốc tế sẽ biết đến ẩm thực và văn hóa đặc sắc nhất của Việt Nam qua món “bún chửi” – món ăn ngay cả người trong nước còn chưa chấp nhận được và luôn tranh cãi, thì liệu đó là sự nổi tiếng hay tai tiếng?

Chương trình của Anthony Bourdain không đơn thuần là một chương trình về ẩm thực, mà còn về văn hóa. Ông đã đi khắp nơi trên thế giới để ghi lại những hình ảnh về các nét văn hóa thông qua ẩm thực, lối sống và con người. Và thế giới sẽ nhìn Việt Nam như thế nào qua những câu chửi suồng sã trong chương trình. Phải chăng đó chính là hình ảnh giới thiệu về Việt Nam? Có thể ý đồ của chương trình là khai thác cái lạ, cái độc đáo của những quán ăn như thế này – cũng là một trong những nét riêng của hàng quán tại Hà Nội. Tuy nhiên, từ thông điệp này dễ dẫn đến việc khán giả quốc tế có thể hiểu nhầm rằng chửi khách hàng có thể là một nét văn hóa của Việt Nam.

Báo động “văn hóa”… chửi

Quay trở lại với văn hóa “bún chửi” ,“cháo chửi”… ở xứ mình với bao chuyện bi hài và tốn nhiều bút mực của báo giới. Không phủ nhận hương vị riêng, đặc sắc của các món ăn tại các quán nổi tiếng như bún “mắng” Ngô Sĩ Liên, cháo “chửi” Nhà thờ… Nhưng điều làm nó nổi tiếng hơn và gần như là “đặc sản” là các màn chửi khách của chủ quán và nhân viên. Với nhiều người, “bún quát, phở đuổi, cháo chửi” hấp dẫn như một chương trình tạp kỷ họ được thưởng thức khi ăn. Nhiều người lần đầu đến vì tò mò và cũng nhiều người nghiện “phong cách” ăn miệng nhai tai nghe chửi.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là cách quảng bá thương hiệu bằng chiêu “độc” này đã khiến Hà Nội lần lượt xuất hiện những hàng quán có phong trào mang tên “văn hóa” chửi một cách tràn lan không quản lý, phần nào đã gây ác cảm với du khách mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.

Được biết trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Giáo dục - đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây Hà Nội tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội. Bởi từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực hiện được điều này rất tốt nhưng TP Hà Nội đang lúng túng khi thực hiện. Việc xác định thế nào là nói tục, chửi bậy cũng rất khó. Chẳng hạn, những lời lẽ miệt thị, “mát mẻ” kiểu chủ quán bún chửi trên đây, có thể coi là nói tục, chửi bậy không?

Một số chuyên gia cho rằng, thực hiện điều này không hề dễ dàng bởi muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện nó như thế nào. “Chúng ta cần có quy định ở nơi công cộng, trong cơ quan và các nhà trường, thậm chí ra chế tài để xử lý. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc tuyên truyền, tác động đến nhận thức của mọi người để hiểu được lời ăn tiếng nói và các hành vi”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết.

Nhìn lại câu chuyện trên, chúng ta có thể bỏ qua mục đích của Anthony Bourdain khi giới thiệu quán bún chửi nhưng liệu chúng ta có chấp nhận để người khác chửi bới, mạt xác mình chỉ để được ăn một tô bún. Nếu chúng ta không tôn trọng chính bản thân mình để người khác phỉ bán thì việc tồn tại các quán như thế này sẽ ngày một nhiều và biết đâu sẽ thành văn hóa trong một ngày không xa. Và văn hóa “cám ơn – xin chào” mà chúng ta đang thiếu sẽ mãi không chạm tới.

Parts Unknown là chương trình du lịch và ẩm thực lên sóng từ 14/4/2013. Trong đó, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đi tới các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khám phá những vùng đất chưa được nhiều người biết, cùng các nền văn hóa và ẩm thực độc đáo. Chương trình này đã giành 4 giải Emmy, 11 đề cử cho kịch bản, âm thanh, đạo diễn và kỹ thuật quay phim, cùng giải Peabody năm 2013.
chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch KCN số 7, huyện Ân Thi, Hưng Yên
Khu công nghiệp số 7 có diện tích khoảng 150 ha được dự kiến quy hoạch trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.