Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm

Theo đề án đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủphê duyệt, tới năm 2025, cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt.
Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một trong các trường sư phạm trọng điểm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Giải thể các trường không đạt chất lượng

Theo dự thảo, mục tiêu của đề án là hình thành mạng lưới các trường sư phạm với một số trường ĐH sư phạm trọng điểm và chủ chốt; tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Cụ thể, về số lượng, đề án đặt ra mục tiêu tới năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 - 8 trường chủ chốt. 

Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH. Bên cạnh đó, sẽ có 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt.

Các cơ sở đào tạo giáo viên (GV) khác sẽ được tổ chức, sắp xếp để chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt nói trên; sẽ giảm số lượng các trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng. 

Đề án cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp khác. Các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo GV và chấm dứt đào tạo GV trước năm 2025.

Về giảng viên, trường sư phạm trọng điểm phải đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 60% trở lên, trường sư phạm chủ chốt từ 40% trở lên.

Dừng đào tạo giáo viên trình độ trung cấp

Về lộ trình thực hiện cụ thể, dự thảo đề án nêu rõ, trong năm 2019 - 2020 sẽ ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường sư phạm theo Bộ chuẩn trường sư phạm. 

Tiến hành đánh giá, rà soát các trường để xác định cơ sở không đạt chất lượng tối thiểu, đồng thời công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng; tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết. 

Cũng trong giai đoạn này, sẽ hình thành các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh của các trường chủ chốt, đồng thời giải thể các trường trung cấp sư phạm và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đối với các trường trung cấp đa ngành.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, sẽ hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh. Trong giai đoạn này sẽ dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo GV.

Xếp hạng các trường theo 3 mức

Bộ chuẩn trường sư phạm bao gồm 5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí. Trong đó 5 tiêu chuẩn: Điều kiện đảm bảo chất lượng (gồm 3 tiêu chí: cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính), đào tạo (3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo, đánh giá của người học về chất lượng và hiệu quả đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo GV), nghiên cứu khoa học (3 tiêu chí: số bài báo của GV được công bố, số đề tài và dự án nghiên cứu được ứng dụng hoặc chuyển giao, kinh phí nghiên cứu); hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng (3 tiêu chí: tỷ lệ kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác, tỷ lệ người nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, tỷ lệ người học là người nước ngoài), quản trị ĐH (2 tiêu chí: mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị cơ sở).

Trong số 14 tiêu chí thì có 4 tiêu chí thuộc phần “cốt lõi” (cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính, số bài báo của GV được công bố). Các tiêu chí được đánh giá theo 3 mức: mức 1 (đạt chuẩn), mức 2 (đạt chuẩn mức cao), mức 3 (đạt chuẩn mức xuất sắc). Việc xếp hạng các trường sư phạm sẽ được chia làm 3 hạng: A, B và C.

Nhũng nhiễu tiêu cực xảy ra do cung vượt cầu

Theo dự thảo đề án, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo GV, trong đó trường đại học sư phạm (ĐHSP) gồm 6 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSP kỹ thuật, 2 trường ĐHSP thể dục thể thao và Trường ĐHSP nghệ thuật T.Ư; 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo GV; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo GV; 2 trường trung cấp sư phạm.

Dự thảo đề án đánh giá, mỗi tỉnh, thành có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo GV. Với số lượng trường nhiều như vậy nên việc cung vượt cầu cũng là điều tất yếu. Nhiều năm qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên ĐHSP nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu. Một khi cung đã vượt cầu cũng đồng nghĩa nhu cầu việc làm của sinh viên sư phạm nhiều hơn, trong khi chúng ta đã định mức số lượng GV. Vì thế, nhũng nhiễu về tiêu cực trong tuyển dụng xảy ra ở nhiều nơi.

Ý KIẾN

Rất tâm đắc với chủ trương này

Đây là một chủ trương mà cá nhân tôi rất tâm đắc. Giờ nếu Bộ ra được cái đề án cụ thể hóa chủ trương này, hiển nhiên là tôi rất ủng hộ.

Tôi được một số nơi mời đến giảng, qua đó nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là các trường công lập, tồn tại rất lãng phí. Cơ sở vật chất, phòng ốc của nhiều trường rất khang trang, nghĩa là họ có được đầu tư, nhưng rất vắng người học. Nhìn mà tiếc! Trong khi đó nhiều trường lớn dù đã được đầu tư xây dựng, nhưng trên thực tế điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với mong muốn.

Cho nên việc sáp nhập, hoặc giải thể những trường ĐH hoạt động không hiệu quả là đúng.

PGS Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)

Chỉ là giải pháp tình huống

Tôi nghĩ việc sắp xếp, giải thể, hợp nhất các trường ĐH để đạt mục tiêu giảm số lượng trường ĐH công lập thực chất chỉ là giải pháp tình huống. Nó có thể đạt được những mục tiêu trước mắt như giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tái tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập...

Tuy nhiên, nếu như hướng tới việc đào tạo nhân lực một cách hợp lý cho tương lai thì phải đặt ra những vấn đề lớn của đào tạo nhân lực hiện nay.

Thứ nhất là tỷ trọng thanh niên trong độ tuổi đi học sau phổ thông mà ta tạm tính là từ 18 - 22 tuổi đi học cao đẳng, ĐH chiếm bao nhiêu phần trăm. Con số đó của VN hiện nay chưa được 30% là thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Do đó, điều đầu tiên là chúng ta có xác định con số này tăng hay không.

Thứ hai là việc phân bổ các trường theo địa phương nên như thế nào để phát triển nhân lực phục vụ cho chính địa phương đó.

Thứ ba là tỷ trọng trường công và trường tư như thế nào. Ở đây không chỉ đơn thuần là số trường mà quan trọng nhất chính là tỷ lệ sinh viên. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề then chốt đó thì quy hoạch mới có thể mạch lạc được.

TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)

chọn
Bất động sản tuần qua (17/11 - 23/11): Các dự án lớn ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group nhắm khu đô thị 28.000 tỷ
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng; Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh; Hà Nội bỏ quy định UBND TP phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất; sắp xây Aeon Mall Hạ Long... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.