Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính thế giới, đây được coi là một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro, ngăn ngừa khủng hoảng, bảo vệ người gửi tiền và giảm gánh nặng xử lý đổ vỡ cho ngân sách quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2022, có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, một ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Trong năm 2021, tổng số phí BHTG thu được đạt 9.201 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2020. Tính đến 30/9/2022 tổng nguồn vốn của BHTG Việt Nam đạt gần 93.000 tỷ đồng.
Theo số liệu tổng hợp của người viết từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 28 ngân hàng cho thấy tổng chi phí BHTG của những ngân hàng này năm 2022 đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm trước và chiếm 0,0008% so với tổng tiền gửi khách hàng của các ngân hàng này (hơn 8,2 triệu tỷ đồng).
Trong đó, tổng phí BHTG của ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank đạt 2.705 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng chi phí BHTG của 28 ngân hàng.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank và ACB là hai ngân hàng tư nhân có mức đóng NBHTG cao nhất với 551 tỷ đồng và 455 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,8% và 8,3% so với năm trước. Sacombank cũng là ngân hàng tư nhân có lượng tiền gửi khách hàng cao nhất với 454.740 tỷ đồng.
Xét về mức độ tăng trưởng, MB là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất với chi phí BHTG năm 2022 đạt 344 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm trước. MB là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn thứ 5 hệ thống và là ngân hàng tư nhân có lượng tiền gửi chỉ đứng sau Sacombank, với 443.605 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.
Chi tiết mức đóng bảo hiểm tiền gửi trong năm 2022 các ngân hàng
Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa ban đầu là 30 triệu đồng. Hạn mức này được nâng lên 50 triệu đồng lên 2005, lên 75 triệu đồng năm 2017.
Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng và được áp dụng cho tới giữa năm 2017, khi mức chi trả tối đa lên 75 triệu đồng và mới đây nhất lên 125 triệu đồng năm 2021.
Mức chi trả này được áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm
Phí BHTG được tính đồng hạng là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, mức tính đồng hạng này có những ưu điểm nhất định, đóng góp tương đối hài hoà giữa các đối tác tham gia BHTG, không tạo nên trách nhiệm tài chính quá lớn đối với các tổ chức tham gia BHTG và phù hợp tương đối với điều kiện, mức độ phát triển của các tổ chức tham gia BHTG ở Việt Nam.
Tuy nhiên, phí BHTG đồng hạng cũng bộc lộ một số hạn chế cơ bản cần được nghiên cứu, có kế hoạch khắc phục.
Cụ thể, tỷ lệ phí BHTG như nhau áp dụng chung cho tất cả khách hàng tham gia BHTG sẽ tạo nên khả năng xảy ra các biểu hiện ỷ lại xét về góc độ quản lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời không có tác dụng khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG thi đua hoạt động tốt, an toàn cao để được áp dụng tỷ lệ phí BHTG thấp.
Hơn nữa, phí BHTG cũng là một trong các tín hiệu công bố đối với thị trường về tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là mức độ rủi ro trong kinh doanh.