Trên thị trường điện thoại Việt Nam, ngoài các sản phẩm được phân phối chính hãng thì kênh xách tay được tiêu thụ rất mạnh, trong đó có nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, đặc biệt là các dòng máy nội địa của các hãng lớn như Xiaomi, Huawei, Oppo, Vivo và OnePlus…
Điểm chung của các máy này là cài sẵn ứng dụng bản địa như Weibo, Youku, Alibaba, Q-Chat, và đặc biệt là Baidu cùng Baidu Maps (bản đồ Baidu) - một ứng dụng nhúng "đường lưỡi bò" phi pháp trên bản đồ Biển Đông, ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Do vậy, việc lo ngại và yêu cầu kiểm tra các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam là có cơ sở. Tuy nhiên, thực tế các phiên bản quốc tế hoặc phân phối chính hãng tại Việt Nam đều không cài sẵn Baidu như bản nội địa (xách tay) từ Trung Quốc. Trong khi các mặt hàng xách tay lại được “tuồn” vào Việt Nam qua các kênh không chính thức (lách thuế) nên rất khó để kiểm soát, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Chưa kể một lượng thiết bị không nhỏ đã nhập sẵn vào trong nước hoặc đã được phân phối đến tay người dùng.
Tuy nhiên, thực tế không quá đáng lo ngại vì các ứng dụng nội địa gắn liền tiếng Trung. Đơn cử như ứng dụng về danh bạ của các máy nội địa Huawei hay Honor (thương hiệu con của Huawei) đều ra tiếng Trung, nên người dùng thường yêu cầu cửa hàng gỡ bỏ hết các ứng dụng nội địa Trung Quốc (còn gọi là “app rác”) khi mua về sử dụng.
Theo anh Nguyễn Mạnh Hải, một chủ cửa hàng điện thoại xách tay ở quận 10, TP HCM, các máy nội địa khi nhập về đều phải gỡ bỏ các app Trung Quốc (kể cả Baidu) hoặc chạy lại rom quốc tế. Vì nếu không gỡ thì người dùng sẽ rất khó chịu khi xuất hiện tiếng Trung trong quá trình sử dụng.
Thực tế, không chỉ ứng dụng Baidu của các smartphone nội địa Trung Quốc, mà những thiết bị chạy Android dành riêng cho nhà mạng hoặc thị trường nội địa ở các nơi khác, cũng đều được cài sẵn nhiều ứng dụng bản địa hoặc của nhà mạng.
Ví dụ, các smartphone của LG hay Samsung dành cho thị trường Hàn Quốc thường cài sẵn các ứng dụng của nhà mạng như LGU, 1+…
Nhiều mẫu smartphone có nguồn gốc từ Trung Quốc thường được cài sẵn các ứng dụng "nội địa". (Ảnh: AFP).
Khác với Android, các bản nội địa hay nhà mạng của iOS (iPhone) gần như không bị cài sẵn các ứng dụng “rác” này.
Theo anh Nguyễn Đình Cư, một thương lái chuyên bán điện thoại đã qua sử dụng tại TP HCM, iPhone phiên bản nội địa của Trung Quốc (mã CH) không cài sẵn ứng dụng nội địa nào, kể cả Baidu. Chưa kể các ứng dụng này cũng không khả dụng, hoặc không phù hợp với thực tế tại Việt Nam, kể cả Baidu Maps.
Do vậy, việc kiểm tra các sản phẩm cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp là một động thái cần thiết của các nhà quản lí, để chủ động bảo vệ quyền lợi của người dùng trong nước cũng như chủ quyền của Việt Nam, nhưng điều cần thiết hơn là tránh buông lỏng công tác quản lí, để dẫn tới các bản đồ “xuyên tạc” này xuất hiện trong các sự kiện được quảng bá rộng rãi như triển lãm xe quốc tế vừa qua, các sản phẩm quà lưu niệm bày bán ở các địa điểm du lịch và đặc biệt là trong một vài sự kiện truyền hình trực tiếp.