Ngày mai, VKSND Hà Nội sẽ nêu đề nghị mức án với hai chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") và 18 người với cáo buộc có sai phạm trong quản lí đất, tài sản nhà nước gây thiệt hại 22.000 tỉ đồng. Trong quá trình xét hỏi những ngày qua, cách tính thiệt hại được nhiều bị cáo nêu thắc mắc.
Theo bản kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), giai đoạn năm 2006-2011, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội Vi phạm quy định về quản lí sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219 Bộ luật Hình sự 2015), ông Minh trong nhiệm kì Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã gây thiệt hại hơn 107 tỉ đồng. Nếu tính ở thời điểm khởi tố vụ án (17/4/2018), số tiền lên đến gần 2.200 tỉ đồng. Ở hai thời điểm, số tiền ông Minh phải chịu trách nhiệm chênh tới 20 lần.
Ở tội Vi phạm các quy định về quản lí đất đai (điều 229), tính tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, ông Minh gây thiệt hại hơn 6.800 tỉ đồng khi cho phép chuyển nhượng trái luật 7 dự án bất động sản. Nếu tính ở thời điểm khởi tố vụ án, số thiệt hại tăng gấp 3 lần, với gần 20.200 tỉ đồng.
Tại bản cáo trạng, cùng cách tính giá trị bất động sản vào thời điểm khởi tố vụ án, VKSND Tối cao xác định ông Minh đã gây thiệt hại tại 7 dự án bất động sản là hơn 19.600 tỉ đồng; tại 18 nhà, đất công sản là gần 2.200 tỉ đồng. Tổng cộng 21.800 tỉ đồng.
Tương tự trường hợp của cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, ông bị cáo buộc gây thiệt hại gần 4.940 tỉ đồng. Sau hơn 10 năm, khi khởi tố vụ án, con số này là 13.890 tỉ đồng.
Với Phan Văn Anh Vũ, nếu ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, số tiền bị cáo buộc gây thiệt hại qua được ưu đãi mua 11 nhà, đất công sản là 76 tỉ đồng, 4 dự án bất động sản là 5.300 tỉ đồng. Trong khi ở thời điểm khởi tố vụ án, con số này lần lượt là 1.600 tỉ đồng (gấp 21 lần), 18.600 tỉ đồng (gấp 3,5 lần).
Với 18 bị cáo còn lại trong vụ án, số tiền bị cáo buộc gây thiệt hại cũng chênh lệch tương tự.
Sau 4 ngày xét xử, sáng 5/1, Phan Văn Anh Vũ phản bác việc VKS cáo buộc 21 bị cáo đã gây thiệt hại tổng cộng 22.000 tỉ đồng và đề nghị HĐXX xác định lại thiệt hại. Vũ cho rằng lấy việc tính thiệt hại căn cứ giá trị bất động sản ở thời điểm 2018 "là không hợp lí" trong khi giao dịch xảy ra từ chục năm trước. Bị cáo đề nghị xử lí nghiêm những người giám định, do làm sai luật.
Ở vụ án khác liên quan Phan Văn Anh Vũ và hai cựu thứ trưởng Bộ Công an, việc tính thiệt hại cũng chênh lệch gần 9 lần do khác biệt quan điểm giữa toà án và VKS. VKSND Hà Nội truy tố Phan Văn Anh Vũ gây thiệt hại 1.160 tỉ đồng khi thâu tóm 7 lô đất "vàng". Con số này được tính bằng cách định giá các bất động sản ở thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/2/2018) trừ đi số tiền công ty của Vũ bỏ ra mua, thuê.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên ngày 30/1/2019 lại nhận định thiệt hại chỉ hơn 135 tỉ đồng, tính tại thời điểm giao đất. Bản án ngay sau đó bị Viện trưởng VKSND Hà Nội kháng nghị vì cho rằng chưa đánh giá đúng bản chất vụ án.
Theo VKS, tính đến thời điểm khởi tố, tại các dự án này, Phan Văn Anh Vũ trực tiếp quản lí, sử dụng và hưởng lợi. Trong thời gian đó, Nhà nước đã mất đi quyền quản lí, khai thác sử dụng. Do đó, thiệt hại của vụ án phải được tính tại thời điểm khởi tố mới phù hợp với thực tế.
Về cách tính thiệt hại, luật sư Phạm Thanh Bình (Hà Nội) và luật sư Vũ Quang Đức (TP HCM) đều cho hay, pháp luật không quy định cụ thể, rõ ràng về thời điểm giám định thiệt hại vật chất trong vụ án hình sự, đặc biệt là án kinh tế tham nhũng. Các cơ quan tố tụng có thể lựa chọn thời điểm xảy ra tội phạm, khởi tố vụ án, thời điểm truy tố, hay lúc xét xử. Đây chính là lỗ hổng luật pháp. Việc lựa chọn thời điểm định giá hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan tố tụng, tuy nhiên phổ biến là tại thời gian xảy ra hành vi phạm tội.
Theo luật sư Bình, giá trị và thiệt hại tài sản trong vụ án hình sự cần được xác định tại thời điểm phạm tội. Nếu để đến khi khởi tố vụ án mới xác định sẽ làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội, dù pháp luật cho họ quyền được khiếu nại, nêu ý kiến về kết luận giám định... Và đề nghị này được đáp ứng hay không cũng phụ thuộc ý chí của các cơ quan tố tụng.
Luật sư Đức cũng ủng hộ việc tính thiệt hại tài sản ở thời điểm tội phạm xảy ra. Bởi với bất động sản, nếu giá tại thời điểm khởi tố án lại thấp hơn trước sẽ không xác định được thiệt hại. Ông mong có quy định cụ thể về thời điểm, phương thức... tính thiệt hại tài sản trong án hình sự để có cách hiểu và áp dụng thống nhất.