Cắm mốc, tạo quỹ đất hai bên tuyến đường sắt Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội sẽ triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa tuyến đường sắt Bắc Nam, bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.

Cử tri huyện Thường Tín cho rằng, hiện nay đã có quy hoạch tuyến đường sắt Bắc Nam từ Hà Nội đến TP HCM, đề nghị Bộ GTVT triển khai dự án quy hoạch chi tiết, cắm mốc hai bên đường trước để tạo quỹ đất sạch, trong khi chờ dự án triển khai thì giao cho UBND cấp huyện quản lý và sử dụng quỹ đất này.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng bên cạnh việc duy trì, cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có, quy hoạch còn dự kiến nghiên cứu triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với lộ trình bắt đầu triển khai xây dựng trong giai đoạn đến năm 2030.

Căn cứ quy hoạch mạng lưới đường sắt nêu trên và quy định của pháp luật về quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thủ tục để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (quy hoạch tuyến, ga đường sắt) trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó dự kiến sẽ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các tuyến, ga đường sắt quốc gia trong đô thị, các ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế.

Nội dung các quy hoạch nêu trên sẽ làm rõ phạm vi, chi tiết nhu cầu sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được duyệt, Bộ sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.

Trong đó, triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM), ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt ở khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

         

chọn
Cảnh hoang hóa tại dự án Mai House Hội An sau những lần đổi chủ
Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai House Hội An xuất phát điểm được đầu tư phát triển bởi CTCP Thế kỷ 21 (C21), đến năm 2009 về tay các công ty con của Tập đoàn Indochina Capital. Sau nhiều năm trì trệ, dự án được kỳ vọng hồi sinh khi TBS Group mua lại và tái khởi công vào năm 2022. Đến nay, khu đất dự án đã không còn dấu hiệu thi công, các thông tin về chủ đầu tư cũng đã được gỡ bỏ...