Vị trí cảng hàng không quốc tế thứ 2 của Hà Nội trong dự thảo bản đồ quy hoạch.
TP Hà Nội vừa công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, trong đó có đưa ra phương án quy hoạch cảng hàng không trên địa bàn. Theo đó, với cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, cảng có vị trí ở huyện Ứng Hòa, phía nam đường quy hoạch cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, phía tây giáp đường trục phát triển kinh tế phía Nam; chức năng hỗ trợ cho CHKQT Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô. Trong ảnh: Khu vực cảng hàng không có thể thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa với ranh giới là các các tuyến đường cao tốc Tây Bắc - QL5B (quy hoạch), sông Nhuệ, đường tỉnh 428.
Cảng đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 30 - 50 triệu hành khách/năm và một triệu tấn hàng hóa/năm; quy mô diện tích khoảng 1.500 ha. Hướng đường cất hạ cánh dự kiến theo hướng 11 - 29. Hệ thống giao thông kết nối có hai tuyến đường cao tốc, hai tuyến đường trục đô thị, một tuyến đường sắt đô thị (ít ga) và tổ chức chạy tàu nội vùng trên hướng Bắc - Nam để kết nối. Trong ảnh: Cảng hàng không có thể thuộc địa bàn các xã Kim Đường, Trầm Lộng và phần nhỏ thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa.
Vị trí triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai có ưu điểm là nằm trên trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam. Trong ảnh: Khu vực các xã Kim Đường, Trầm Lộng có phần lớn đất nông nghiệp, ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Nhằm triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, Hà Nội đưa ra một số nội dung nghiên cứu giải quyết: Cần nâng đường trục kinh tế phía nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối với sân bay thứ hai; cần bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32 km); khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích chiếm đất khoảng 1.700 ha; cần di chuyển tuyến điện 500KV ra khỏi ranh giới sân bay.
Khu vực quy hoạch cảng hàng không thứ 2 của Hà Nội trong dự thảo rất gần với QL1A, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL 38.
Đây cũng là khu vực tiếp giáp với cao tốc Tây Bắc - QL5 và trục phía Nam Hà Nội qua huyện Ứng Hòa. Riêng trục phía Nam Hà Nội trong ảnh là theo quy hoạch hiện tại, chưa điều chỉnh. Theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch, đoạn đường trục phía Nam này có thể được nắn thẳng xuống phía nam thay vì đi qua phía nam vị trị quy hoạch sân bay.
Theo dự thảo bản đồ quy hoạch, khu vực xã Kim Đường có thể là vùng trung tâm của cảng hàng không.
Một phần thôn Kim Bồng đến UBND xã Kim Đường nằm trong khu vực đề xuất quy hoạch sân bay.
Xung quanh khu vực trung tâm xã Kim Đường chủ yếu là đất nông nghiệp, ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Với dự thảo nêu trên, Hà Nội cũng đề xuất điều chỉnh xác định rõ Cảng hàng không Gia Lâm là cảng hàng không khai thác lưỡng dụng giữa quân sự và dân dụng, khai thác dân dụng theo mô hình hàng không chung với các tàu bay dân dụng cỡ nhỏ, tàu bay chuyên dùng. Đối với sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn, sân bay này phục vụ mục đích quân sự, có thể phát triển khai thác lưỡng dụng với hàng không chung phục vụ dân sự khi có yêu cầu.
https://dongvon.doanhnhanvn.vn/can-canh-vi-tri-co-the-xay-san-bay-quoc-te-thu-hai-o-ung-hoa-ha-noi-432023112095416795.htm