Cận Tết, đất nền 'ấm' dần nhưng nhiều người vẫn khó bán

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, các môi giới và công ty BĐS cho biết có nhiều giao dịch, thị trường ấm dần cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không ít trường hợp chủ sở hữu rao bán đất nền suốt thời gian dài nhưng không ai đoái hoài.
Đất nền ấm cận Tết nhưng nhiều người bán không ai mua, vì sao? - Ảnh 1.

Một dự án đất nền ở quận Liên Chiểu đang được người dân rao bán. (Ảnh: Chu Lai).

Thời gian qua, thị trường BĐS nhiều tỉnh, thành trên cả nước dần sôi động trở lại. Một số đơn vị nghiên cứu thị trường công bố thông tin giao dịch rất tốt, cầu tăng cao sau thời gian dài dịch Covid-19 ảnh hưởng.

Tại miền Trung, cụ thể thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam, các môi giới và công ty BĐS cũng cho biết có giao dịch trở lại, thị trường ấm dần cận Tết Nguyên đán. Nhu cầu mua đất nền và căn hộ là nhiều nhất trong các phân khúc BĐS.

Tuy nhiên, người viết ghi nhận có nhiều trường hợp chủ sở hữu rao bán đất nền suốt thời gian dài nhưng không có ai đoái hoài.

Cụ thể, anh Phước (ngụ Quảng Nam) cho biết, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, anh rao bán lô đất nền ở khu đô thị gần KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng nhưng không có nổi một cuộc gọi nhỡ.

Theo người đàn ông này, thời điểm đầu năm 2020 trước dịch Covid-19, anh mua hai lô đất đó với giá 4,2 tỷ đồng. Sau thời gian dài để dành, anh quyết định bán ra một lô để kinh doanh.

"Tôi rao bán lần đầu là tháng 8/2021 nhưng hai tháng không có ai hỏi nên ngưng lại không bán để đợi thêm. Đầu tháng 12/2021, tôi quyết định bán lại nhưng đến nay cũng không có ai hỏi mua", anh Phước nói.

Một trường hợp khác là chị Hồng, cũng đang rao bán một lô đất thuộc khu tái định cư ở quận Liên Chiểu nhưng nhiều tháng qua không có ai hỏi mua.

Chị Hồng chia sẻ, lô đất chị mua giữa năm 2020 để xây nhà ở, giá 1,9 tỷ đồng. Do gia đình có việc, giữa năm 2021, chị Hồng đã rao bán để xử lý nhưng vẫn chưa bán được.

"Từ giữa tháng 12, tôi biết thông tin thị trường tốt hơn nên gửi thêm môi giới chạy bán cho nhanh. Tuy nhiên, đến hiện tại tôi không thấy ai hỏi mua. Môi giới họ bảo phải giảm giá mới bán được. Tôi bảo sao giảm được, giá hiện tại nếu bán thành công là thu về đúng giá mua ban đầu", chị Hồng giãi bày.

Người viết đem câu chuyện của anh Phước và chị Hồng trao đổi với ông Bảo, Giám đốc một công ty BĐS. Vị giám đốc này nhận định, dù BĐS đang có giao dịch tốt trở lại sau thời gian dài dịch bệnh nhưng không phải lô đất nào cũng bán được, bởi có nhiều lý do như: Các lô đất đang được chủ sở hữu bán ra đã trải qua một số đợt sốt nóng, giá người mua ôm vào quá cao, đi xa giá trị thật, phải nhiều năm nữa mới có giá đó; chủ sở hữu định giá lô đất quá cao, không có căn cứ nên rao mãi không có người hỏi mua.

"Nhiều người đầu tư đất nền nhưng không có kinh nghiệm, đầu tư tâm lý đám đông. Họ cứ nghĩ mua một lô đất để đó, một năm tăng giá cao nhất đến 10% giá trị. Khi có nhu cầu bán ra, họ bán giá trên trời sao bán được", ông Bảo nói thêm.

Chị Thương, một môi giới BĐS cho biết, có nhiều chủ sở hữu BĐS mãi không bán được đất vì không muốn mất phí cho môi giới.

"Môi giới BĐS là người có kinh nghiệm, có nhiều mối quan hệ với các khách hàng, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, họ cũng chạy thông tin nhiều kênh mới tiếp cận được người mua, có nhu cầu. Việc chủ sở hữu BĐS tự rao, tự bán thì rất khó mới bán được, còn mất rất nhiều thời gian", chị Thương nói.

Cũng theo môi giới này, thời gian qua nhóm chị cũng đã nhận bán nhiều lô đất nhưng khó bán được, có trường hợp đã gửi lại cho chủ, không tiếp tục bán. Lý do là các lô đất có mồ mả nhưng người mua không biết nên lỡ mua vào nên không bán ra được; đất tranh chấp; đất chưa có sổ; đất xấu; chủ sở hữu định giá cao, không hiểu thị trường, không chịu nghe tư vấn của môi giới.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.