Cần Thơ điều chỉnh quy hoạch chung đáp ứng yêu cầu phát triển

Tháng 3/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch triển khai lập điều chỉnh tổng thể Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tháng 3/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch triển khai lập điều chỉnh tổng thể Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch số 68/KH-UBND), nhằm phù hợp với phát triển thành phố trong giai đoạn mới. 

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung và hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Ðiều chỉnh quy hoạch đô thị đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL.

Cần Thơ điều chỉnh quy hoạch chung đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 1.

TP Cần Thơ đang tập trung hoàn thành các quy hoạch, tăng tốc phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Kết quả triển khai bước đầu

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Cần Thơ, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 8/2013 (tại Quyết định số 1515/QÐ-TTg), TP Cần Thơ đã từng bước cụ thể hóa. 

Ðó là hoàn thành và phê duyệt 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt), phê duyệt Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Cờ Ðỏ; phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình thời gian qua. 

Thành phố đã phê duyệt và triển khai các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đồng bộ, hiệu quả, đề xuất được những dự án, công trình và triển khai kêu gọi đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố. 

Nhất là các công trình về y tế, giáo dục, giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, thực hiện nâng cấp các tuyến hẻm trong đô thị góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị ngày càng khang trang, mỹ quan đô thị cải thiện rõ nét.

Về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt 7 đồ án quy hoạch và đang triển khai các đồ án này đạt được một số kết quả tích cực. 

Cụ thể gồm quy hoạch xử lý chất thải rắn: đã kêu gọi được 4 nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa; Cần Thơ cũng là một trong các địa phương có nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện đầu tiên trong cả nước. Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh đô thị: ban hành Danh mục cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên địa bàn thành phố, làm cơ sở chọn lựa chủng loại cây trồng trong đồ án quy hoạch xây dựng, cũng như các nội dung có liên quan trong triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở, đường đô thị, công viên, quảng trường với vốn ngoài ngân sách đảm bảo mỹ quan, mật độ cây xanh đô thị. 

Quy hoạch chiếu sáng: tham mưu thành phố tham gia Dự án thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng Việt Nam do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ (dự án nâng cao năng lực đang triển khai thực hiện).

Ngoài ra, còn có các quy hoạch cấp nước, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải, quy hoạch nghĩa trang…

Với nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng khung, đến nay nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã được triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. 

Chẳng hạn như nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 80, Nam sông Hậu…; hình thành nên trục xương sống đô thị giữa khu đô thị truyền thống của Cần Thơ với quận Ô Môn trên cơ sở 2 tuyến quốc lộ 91 và quốc lộ 91B này. 

Ðầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến giao thông đối nội: đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung - Cái Cui, cầu Quang Trung, đường Trần Hoàng Na phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo Ðịnh hướng Quy hoạch chung TP Cần Thơ được phê duyệt năm 2013, không gian đô thị của Cần Thơ về nội thành gồm: khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy, khu đô thị - công nghiệp Trà Nóc, khu đô thị - công nghiệp Cái Răng, khu đô thị sinh thái Phong Ðiền, khu đô thị mới Ô Môn và khu đô thị - công nghiệp Thốt Nốt. 

Khu vực ngoại thành gồm: thị trấn Cờ Ðỏ, thị trấn Thới Lai, thị trấn Vĩnh Thạnh và thị trấn Thạnh An. Thời gian qua, việc đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thành phố được triển khai từng bước, giai đoạn phân kỳ theo đúng định hướng Quy hoạch chung TP Cần Thơ. 

Thực hiện mời gọi đầu tư các dự án khu dân cư, khu tái định cư và khu đô thị khang trang, cùng các dịch vụ tiện ích phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Cần Thơ. 

Song, vẫn còn một số bất cập trong phát triển đô thị, nhất là việc đầu tư và phân bố dân cư trên địa bàn quận, huyện chưa đồng đều; các dự án tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng; đối với quận Ô Môn, Thốt Nốt và các đô thị vệ tinh (thị trấn) chưa được đầu tư đúng tiềm năng, vị thế.

Ðảm bảo phát triển hài hòa

Triển khai Kế hoạch số 68/KH-UBND, UBND thành phố giao Sở Xây dựng, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai lập điều chỉnh quy hoạch này. 

Trong đó, cần quy hoạch đô thị đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch này Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố đang triển khai lập, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài và dự kiến được phê duyệt trong năm nay). 

Ðồng thời, điều chỉnh quy hoạch cần đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng và là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Ðiều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch chung TP Cần Thơ gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Cần Thơ, diện tích đất lập quy hoạch khoảng 143.896ha. 

UBND thành phố giao Sở Xây dựng tổ chức lập, Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng thẩm định Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, UBND thành phố phê duyệt dự toán kinh phí, nguồn vốn lập quy hoạch từ vốn đầu tư công, thời gian thực hiện năm 2021-2023. 

Ðến nay, Sở Xây dựng đã trình phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập; chi phí lập quy hoạch xây dựng tạm tính hơn 20,94 tỉ đồng. Sau khi có quyết định phê duyệt đề cương, dự toán chi phí, Sở Xây dựng tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện lập nhiệm vụ và lập đồ án quy hoạch, và phấn đấu hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10/2023…

Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Ðiều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch chung TP Cần Thơ sẽ bám sát mục tiêu Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị là đến năm 2030 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao; tổ chức Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc. 

Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.