Cần Thơ dự kiến nâng cấp quốc lộ 91 hơn 7.200 tỷ vào đầu 2025

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (Km00 - Km07) đi qua hai quận của TP Cần Thơ là Ninh Kiều và Bình Thủy, với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, khởi công vào quý I/2025.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (Km00 - Km07). Đơn vị tư vấn của dự án này là Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Nam.

Dự án đầu tư mở rộng QL 91 đoạn Ngã tư Bến Xe - Trà Nóc (Km0 – Km7) hồi năm 2008 đã được phê duyệt và tổ chức thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Chủ đầu tư đã tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã thi công.

Song thực hiện Nghị quyết ngày 24/02/2011 của Chính phủ, dự án thuộc diện tạm dừng thực hiện từ năm 2014, đồng thời bàn giao về Bộ GTVT làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện trên cơ sở Thông báo kết luận ngày 1/4/2013 của Văn phòng Chính phủ. Trong giai đoạn trung hạn năm 2016 - 2020, do nhiều nguyên nhân khách quan, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Các đoạn tuyến còn lại thuộc QL 91 đoạn trên địa bàn TP Cần Thơ đã được đầu tư xây dựng xong (Đoạn Km7 - Km14 đạt tiêu chuẩn đường phố chính cấp II bề rộng nền 37 m và đưa vào sử dụng năm 2014; Đoạn Km14 - Km50+889 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền 12m và đưa vào sử dụng năm 2015).

Căn cứ theo Nghị Quyết ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, dự án Nâng cấp, mở rộng QL 91 (đoạn từ Km0 - Km7) đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

 bản đồ hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Dài hơn 7 km, đi qua hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ (chủ dự án), dự án Nâng cấp, mở rộng QL 91 (đoạn từ Km0 - Km7)chiều dài hơn 7 km (bao gồm cầu Bình Thủy), đi qua hai quận là Ninh Kiều và Bình Thủy. Điểm đầu dự án nằm tại nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi; thuộc địa phận quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Điểm cuối kết nối với đoạn Km7 - Km14 đang khai thác (gần đầu đường Hồ Trung Thành); thuộc địa phận quận Bình Thuỷ.

Toàn bộ dự án dự kiến tổng khối lượng đất thu hồi là 27 ha (trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng là 6,1 ha và đất Nhà nước quản lý là 21 ha), bao gồm các loại đất như đất thổ cư (4,4 ha), đất trồng cây lâu năm (5.148 m2 ), đất sản xuất kinh doanh (7.878 m2 ), đất thương mại dịch vụ (1.338,5 m2 ), đất cơ sở tôn giáo (1.358,7 m2 ), đất nghĩa trang, nghĩa địa (229,5 m2 ), đất mương lộ (840 m2 ), và đất nhà nước quản lý.

Phạm vi chiếm dụng đất trải dài qua địa phận của hai quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ. Dự kiến sẽ có khoảng 1.110 hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng (trong đó có 109 hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ), trong đó khoảng 278 hộ dự kiến giải tỏa trắng cần phải bố trí tái định cư.

Về hiện trạng dự án, khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất thổ cư. Đoạn Km0 - Km7 hiện hữu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, trong đó, phần mặt đường xe chạy 12 m, vỉa hè hai bên 6 m.

Trên đoạn tuyến có cầu Bình Thuỷ dài 92,5 m, gồm hai đơn nguyên có bề rộng 10,3 m, một đơn nguyên xây dựng trước năm 1973 và năm 1973 xây dựng thêm một đơn nguyên bên cạnh đơn nguyên cũ.

Đoạn QL 91 này do chưa được đầu tư xây dựng, mặt đường nhỏ hẹp (9 - 14 m) được sử dụng qua nhiều năm đã quá tải và giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày trong giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do mặt đường nhỏ, hẹp.

 Hiện trạng QL 91 đoạn Km00 - Km07. (Ảnh chụp từ văn bản).

Tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, khởi công quý I/2025

Về các hạng mục xây dựng dự án, đây là dự án nhóm A, đầu tư chiều dài tuyến hơn 7 km tuyến chính được được nâng cấp, mở rộng, với nền rộng 37 m, tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h (toàn tuyến tốc độ thiết kế 80 km/h, riêng tại khu vực cầu Bình Thuỷ triết giảm tốc độ thiết kế 60 km/h để hạn chế giải phóng mặt bằng).

Mặt cắt ngang dự kiến của Dự án đồng bộ với quy mô mặt cắt ngang đoạn Km7 - Km14 (về bề rộng mặt đường, bề rộng dải phân cách giữa, bề rộng vỉa hè), tuân thủ quy hoạch (nền rộng 37 m), bố trí làn phù hợp với cấp đường lựa chọn.

Quy mô mặt cắt ngang QL 91 đoạn Km0 - Km7 bao gồm bề rộng nền đường 37 m, gồm mặt đường phần xe chạy 21 m; dải an toàn 2 m; dải phân cách giữa 4 m; vỉa hè hai bên rộng 10 m.

Về tiến độ, dự án sẽ lập và trình phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở từ qúy II - quý III/2024.; thực hiện công tác BTHT&TĐ từ năm 2024 - 2025; lập thủ tục và thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, các gói thầu thi công xây lắp, TVGS, bảo hiểm từ quý III - IV/2024; khởi công quý I/2025 và hoàn thành vào năm 2027.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 7.240 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư : 5.775 tỷ đồng; chi phí xây dựng 1.085 tỷ đồng; chi phí thiết bị 1,2 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 11 tỷ đồng.

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 35 tỷ đồng; chi phí khác gần 48 tỷ đồng; chi phí dự phòng 285 tỷ đồng; chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh 118 tỷ đồng; chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá 167 tỷ đồng.

Xây mới cầu Bình Thủy, có 11 nút giao trên tuyến

Dự án nâng cấp, mở rộng QL 91 (Km00 - Km07) sẽ xây dựng mới cầu Bình Thủy, cầu Bình Thủy mới sẽ bao gồm nhịp chính và hai nhịp dẫn. Chiều dài nhịp chính 65 m, nhịp dẫn 40 m . tổng chiều dài cầu 152,2 m.Cầu đảm bảo tĩnh không thông thuyền 30 x 6 m.

Phối cảnh cầu Bình Thủy mới. (Ảnh chụp từ văn bản).

Bên cạnh đó, 11 nút giao trên tuyến bao gồm nút giao đầu tuyến (Km0); nút giao Phạm Ngũ Lão (Km0+364); nút giao Nguyễn Văn Cừ (Km1+015); nút giao Nguyễn Đệ (Km1+312); nút giao Trần Quang Diệu (Km2+078); nút giao Nguyễn Việt Dũng (Km2+512); nút giao Đường Hẻm trục 91 (Km2+986); nút giao Nguyễn Thông (Km3+530); nút giao Nguyễn Truyền Thanh (Km4+572); nút giao Lạc Long Quân (Km5+535); nút giao Huỳnh Phan Hộ (Km6+726).

Trong đó, nút giao đầu tuyến (Km0) đề xuất hai phương án là nút vòng xuyến và phân làn bằng đảo giao thông có bố trí đèn tín hiệu, về quy mô vuốt nối căn cứ theo quy mô quy hoạch và hiện trạng các tuyến đường tại khu vực nút giao, do đó phương án thiết kế kiến nghị vuốt nối vào các đường Hùng Vương và Nguyễn Trãi theo quy mô hiện hữu.

Nút giao Phạm Ngũ Lão (Km0+364) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa 10 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Nguyễn Văn Cừ (Km1+015) là nút giao ngã tư, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa 25 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Nguyễn Đệ (Km1+312) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa 10 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Trần Quang Diệu (Km2+078) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa 10 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Nguyễn Việt Dũng (Km2+512) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 7,5 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Hẻm trục 91 (Km2+986) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 25 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Nguyễn Thông (Km3+530) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 10 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Nguyễn Truyền Thanh (Km4+572) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 10 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Lạc Long Quân (Km5+535) là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 15 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.

Nút giao Huỳnh Phan Hộ là nút giao ngã ba, bố trí đường bán kính đường cong vuốt nối bó vỉa tối thiểu 20 m. Ngắt dải phân cách giữa, bố trí làn chờ xe rẽ trái.