Cập nhật tình hình thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn quốc lộ (QL 45) - Nghi Sơn, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, luỹ kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 2.500 tỷ đồng, đạt gần 79% giá trị hợp đồng, chậm 9,7% so với kế hoạch.
Theo đánh giá, hiện nay, các tồn tại, vướng mắc (mặt bằng, vật liệu đắp, các vấn đề xử lý kỹ thuật) cơ bản đã được tháo gỡ. Song, công tác huy động các nguồn lực về tài chính, tổ chức thi công và bố trí nhân lực làm công tác nội nghiệp của một số nhà thầu còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là nhà thầu Trường Sơn ở gói thầu XL1 và nhà thầu Miền Trung tại gói thầu XL3.
Dự án có tổng cộng 23 km đường gom và 57 hầm chui dân sinh. Song hiện tại mới thi công được 13 km đường gom và 56 hầm chui dân sinh.
Dự án có chiều dài tuyến là 43 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 5.534 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư, khởi công ngày 1/7/2021, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe vào tháng 9.
Lãnh đạo TP Cần Thơ vừa qua đã chủ trì cuộc họp kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 (QL 91) (đoạn từ Km0 - Km7), dự kiến khởi công trong năm 2024.
Ðoạn 7 km này khi được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo đồng bộ toàn tuyến QL 91 đi qua địa bàn TP Cần Thơ, đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông cho thành phố.
Ðây là dự án nhóm A; công trình đường giao thông cấp II, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h; bề rộng nền đường 37 m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.180 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vừa qua ddaxc có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.209,7 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Bộ Giao thông Vận tải lý giải nguyên nhân điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng, được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và đơn giá, định mức; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng; chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng.
Vừa qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khoá XVIII, kỳ họp thứ 14 đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Tại nghị quyết, tỉnh đã duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía đông tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Đây là dự án nhóm B, có tổng chiều dài hơn 6,6 km.
Đường có bề rộng 70 m, trong đó bề rộng mặt đường xe chạy là 21 m; vỉa hè 10 m; dải cây xanh hai bên 9 m; giải phân cách giữa 30 m. Trên tuyến có một cây cầu lớn bắc qua sông Rào Cái bằng bê tông cốt thép, có tổng chiều dài 210 m, bề rộng 27 m. Thời gian thực hiện dự án là 2023 - 2026.
TP HCM đặt mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2024 – 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Nội dung này vừa qua được Ban Cán sự đảng UBND TP HCM trình Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Vị trí xây dựng cảng là khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP HCM). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km; tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Cảng sẽ tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.
Hiện nay, TP HCM đang triển khai lập quy hoạch thành phố thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, Sở GTVT cần lưu ý rà soát, cập nhật quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vào quy hoạch thành phố để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo việc đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch TP HCM thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trên cơ sở so sánh 4 phương án vị trí điểm đầu dự án, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí trước nút giao với cầu Tân Thuận 2 sẽ làm giảm áp lực giao thông lên nút giao với cầu Tân Thuận 2 và nút giao với đường Huỳnh Tấn Phát hiện đang trong tình trạng quá tải.
Lãnh đạo TX Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên vừa qua đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch chung TX Mỹ Hào đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.
Tại quyết định phê duyệt ngày 23/6 vừa qua của UBND tỉnh, quy mô diện tích lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của TX Mỹ Hào với khoảng 7.938 ha.
Về định hướng, quy hoạch thị xã trở thành đô thị thương mại - dịch vụ - công nghiệp có hệ thống hạ tầng đồng bộ, văn minh, phát triển bền vững, gắn với vùng công nghiệp và đô thị phía Bắc tỉnh Hưng Yên, vùng thủ đô Hà Nội; xây dựng thị xã đến năm 2025 đạt đô thị loại III, giai đoạn đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại II.