Ngày 20/7, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo thành phố đã chia sẻ về phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo đó, nhiều công trình lớn, quan trọng trên địa bàn thành phố đã được hoàn thành và khởi công xây dựng như vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường vành đai 2 trên cao. Năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; đã khởi công đường vành đai 4 (ngày 25/6)…
Hà Nội cùng hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang dự kiến cơ bản hoàn thành xây dựng đường vành đai 4 vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027 và sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030.
Nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển, TP Biên Hoà đã kiến nghị đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm hai vị trí xây dựng các cầu đường bộ kết nối đô thị này với TP HCM và tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hoà cho biết, trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, TP Biên Hoà đã có lưu ý và đề xuất đưa vào quy hoạch vị trí xây dựng cầu kết nối giữa TP Biên Hoà và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương tại khu vực bến đò Xóm Lá, phường Bửu Long.
Trong chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối phục vụ phát triển, trong góp ý vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Biên Hoà cũng đề xuất bổ sung thêm vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực xã Long Hưng với quận 9, TP Thủ Đức (TP HCM).
Ngày 19/7, UBND thành phố đã tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Dự án này có chiều dài tuyến khoảng 3,4 km, mặt cắt ngang rộng 60 m. Tổng mức đầu tư của dự án 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
Tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (diễn ra từ ngày 12 đến 14/7 vừa qua) đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường ven biển, đoạn qua đèo Lộ Diêu (TX Hoài Nhơn), do Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án hơn 204 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B, nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách tỉnh quản lý. Thời gian thực hiện từ 2023 - 2025.
Tổng chiều dài tuyến đường được đầu tư xây dựng khoảng 4,5 km, bề rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Đồng thời, đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trên tuyến gồm hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và hệ thống ATGT.
Ngày 19/7, tỉnh đã tổ chức lễ khởi công dự án liên kết vùng miền Trung. Đây là một trong những dự án quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng, có điểm đầu tại nút giao với đường Thanh niên ven biển (ĐT 613B) tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình và điểm cuối tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My; với tổng chiều dài đầu tư xây dựng toàn tuyến khoảng 32 km.
Sau khi dự án hoàn thành, cùng với dự án nâng cấp QL 40B, sẽ hình thành trục động lực kết nối Đông - Tây phía nam của tỉnh.
Bộ GTVT vừa qua đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về việc đầu tư hai tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, hai tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chiều dài khoảng 128 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối khu bến Lạch Huyện) đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của 16 dự án Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, có ba cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.798 tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng 737 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 174 triệu USD, tương đương 4.062 tỷ đồng.