Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (26/6 - 2/7): Hà Nội sắp chốt chủ trương đưa Đông Anh lên quận; Bình Dương động thổ tuyến vành đai 3

Hà Nội sắp chốt chủ trương đưa Đông Anh lên quận; Bình Dương động thổ xây dựng tuyến vành đai 3 TP HCM; TP HCM nghiên cứu làm hai nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Hà Nội sắp chốt chủ trương đưa Đông Anh lên quận

Ngày 27/6, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, phương án thành lập quận Đông Anh sẽ trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Đông Anh. Thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh.

Kết quả sau khi thành lập, quận Đông Anh có diện tích tự nhiên 186 km2, quy mô dân số hơn 400.000 người với 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc.

Một góc Đông Anh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Toàn bộ nội dung nêu trên sẽ được UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 12 khoá XVI, diễn ra vào sáng ngày 6/7 sắp tới.

Bình Dương động thổ xây dựng tuyến vành đai 3 TP HCM

Ngày 29/6, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ động thổ xây dựng đường vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, tại nút giao Bình Chuẩn từ Km43+680 đến Km45+000.

Nút giao Bình Chuẩn đoạn từ Km43+680 đến Km45+000, công trình có đường ô tô cao tốc, đường đô thị cấp I, cầu đường bộ cấp III, hầm giao thông cấp III. Tổng chiều dài nút giao là 1,3 km, tổng vốn đầu tư 571 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp 489 tỷ đồng), từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

 Khu vực xây dựng nút giao Bình Chuẩn thuộc tuyến vành đai 3 TP HCM, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hải Quân). 

Công trình có quy mô gồm đường cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 74,5 m; 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Công trình được xây dựng trên địa bàn TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một.

TP HCM nghiên cứu làm hai nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành

Sở GTVT TP HCM vừa qua đã có công văn gửi UBND TP HCM báo cáo về việc nghiên cứu, đề xuất đầu tư nút giao quốc lộ 50 (kết nối QL 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành) và nút giao Nguyễn Văn Tạo (kết nối đường Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ với cao tốc Bến Lức - Long Thành).

Việc đầu tư nút giao QL 50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo được Sở GTVT đánh giá rất cấp bách để hoàn thiện kết nối các tuyến đường thành phố với cao tốc và giải tỏa lưu lượng xe ngày càng tăng trong tương lai.

Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay. (Ảnh: Hải Quân). 

Dự kiến, giai đoạn 1, nút giao QL 50 có dạng trumpet (nút giao liên thông có dạng kèn). Đồng thời, nút giao này bao gồm hạng mục cầu vượt trên QL 50, đáp ứng 4 làn xe (đang xem xét điều chỉnh lại phù hợp thực tế) dải phân cách giữa 8 m.

Hà Nội sẽ thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào ngày 2/9

Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng đã đạt khoảng 76,5% tiến độ tổng thể chung của dự án, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%.

Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) đang xây dựng). (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Đối với cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào 2/9 năm nay.

Thừa Thiên Huế chi hơn 1.000 tỷ đồng làm cầu qua phá Tam Giang

Ngày 29/6, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII.

Tại kỳ họp đã thông qua chủ trương đầu tư cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Phá Tam Giang hiện nay. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế). 

Chiều dài toàn tuyến khoảng 3 km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4 km và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 1,6 km. Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ ngày khởi công; dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.

TP HCM đề xuất xây cầu Cát Lái sau năm 2030

Về phương án kết nối giao thông TP HCM với tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất thời điểm đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau năm 2030, sau khi hoàn thành đường liên cảng tại khu vực này.

Trước đó, tỉnh Đồng Nai đề nghị đầu tư đầu tư xây dựng cầu kết nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trước năm 2025 nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái, thay vì đầu tư sau khi hoàn thành tuyến Vành đai 3, đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu- Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác và kế hoạch, lộ trình di dời, sắp xếp các cảng biển (sau năm 2030).

Hà Nội khánh thành cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Ngày 30/6, UBND thành phố đã tổ chức lễ khánh thành dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa được khởi công vào ngày 1/10/2021, là công trình đường bộ cấp III.

Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: Báo Chính phủ). 

Cầu được thiết kế xây dựng cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép vượt trực thông theo dạng chữ C, theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, tổng chiều dài cầu 318 m, rộng 9 m với tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...