Hà Nội dự kiến chốt chủ trương đưa Đông Anh lên quận đầu tháng 7

Trong buổi làm việc ngày 6/7 tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố thông qua việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.

Một góc Đông Anh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Ngày 27/6, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, phương án thành lập quận Đông Anh sẽ trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Đông Anh. Thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh.

Kết quả sau khi thành lập, quận Đông Anh có diện tích tự nhiên 185,68 km2, quy mô dân số hơn 400.000 người với 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc.

24 phường của quận Đông Anh sẽ bao gồm: Phường Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thuỵ Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Sau khi HĐND phê duyệt, Hà Nội sẽ hoàn thành đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô 2030, tầm nhìn 2050 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp quy hoạch đối với việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Toàn bộ nội dung nêu trên sẽ được UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 12 khoá XVI, diễn ra vào sáng ngày 6/7 sắp tới.

Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 68 về việc Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. 

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo UBND thành phố, thành ủy về việc hoàn thiện hồ sơ, Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 6/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý II/2024. 

UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đề nghị Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 7/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý III/2024.

Hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ về Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong quý IV/2023; ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong năm 2025. 

Giá đất Đông Anh ra sao trước thềm lên quận?

Còn nhớ giai đoạn 2018 - 2019, khi xuất hiện thông tin Hà Nội nâng cấp 4 huyện vùng ven lên quận, thị trường bất động sản Đông Anh đã bắt đầu có dấu hiệu nóng lên. 

Đến đầu năm 2021, cơn sốt đất đã lan toả đến nhiều khu vực ở Đông Anh, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong giai đoạn 2021 - 2030.

Thời điểm đó, một số môi giới cho biết đất đấu giá vị trí đẹp tại Đông Anh dao động khoảng 35 - 70 triệu đồng/m2. Nếu muốn rẻ hơn thì phải đi xa khu vực trung tâm. Với tài chính 1,5 tỷ đồng, không có cơ hội mua đất tại khu vực gần cầu Tứ Liên vì khu này ăn theo dự án của Vingroup nên rất đắt. Còn nếu tài chính tầm 2,5 - 3 tỷ đồng có thể mua đất đấu giá ven trục Nhật Tân - Nội Bài.

Đất đấu giá nằm sát khu Công viên phần mềm Vintech đầu năm 2021 được rao bán với giá khoảng 37 - 40 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong ngõ tại các xã như Vĩnh Ngọc có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Còn tại trung tâm thị trấn Đông Anh, đất thổ cư dao động trong khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. So với cùng thời điểm 2019, giá đất Đông Anh đầu năm 2021 tăng khoảng 50 - 60%.

Sau giai đoạn sốt đất nhờ thông tin lên quận, giá đất Đông Anh tiếp tục đón làn sóng tăng trưởng mới sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng được TP Hà Nội duyệt vào tháng 3/2022 và thông tin quy hoạch đường vành đai 4.

Song thời gian qua, khi thị trường bất động sản lao dốc, đất Đông Anh cũng rơi vào tình cảnh trầm lắng, đìu hiu.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Batdongsan.com.vn cho biết so với quý IV/2022, giá bán các thị trường đất nền vùng ven Hà Nội giảm 1 - 13%, mức độ quan tâm giảm từ 4 - 24%. 

Riêng đối với Đông Anh, đất ở đây đang duy trì mức giá giảm so với 4 tháng trước. Cụ thể, đất nền Nguyên Khê đang có giá 38 - 43 triệu đồng/m2, giảm 10-15% so với mức 42 - 47 triệu đồng/m2 sau Tết.

Đất nền Cổ Loa nằm trong các xóm giá bán vẫn đang ở mức giảm là 18-20 triệu đồng/m2 so với mức 22 - 25 triệu đồng/m2 thời điểm sau Tết. Đất kinh doanh Võng La tiếp tục duy trì mức giá đã giảm là 35 - 40 triệu đồng/m2 so với mức giá 37 - 42 triệu đồng/m2 của tháng tháng 2/2023. Đất nền Hải Bối cũng giảm 10% so với 4 tháng trước, duy trì ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.