Đất đấu giá Đông Anh tăng vọt giữa lúc thị trường trầm lắng

Trong đợt đấu giá mới nhất của huyện Đông Anh tại xã Uy Nỗ, giá trúng đấu giá cao nhất đạt 169 triệu đồng/m2. Con số này cao hơn cả giai đoạn sốt đất thông tin lên quận cách đây gần 2 năm, khi mức giá thời điểm đó cao nhất dao động khoảng 150 triệu đồng/m2.

Đất đấu giá chạm ngưỡng gần 169 triệu/m2

Một khu đất đấu giá tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo Cổng thông tin điện tử huyện Đông Anh, ngày 19/11 vừa qua, địa phương này vừa tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trong các ô đất LK1, LK2, LK3, LK4 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất X7 xã Uy Nỗ.

Có 27 thửa đất với tổng diện tích 3.364 m2 đã được đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Các thửa rộng 115 - 228 m2, đều được khớp nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật đảm bảo bảo các tiêu chí để xây dựng nhà ở lâu dài.

Giá khởi điểm cho các thửa đất 58 triệu đồng - 69 triệu đồng/m2 tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất tại X7 xã Uy Nỗ là 500.000 đồng/m2.

Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất tại phiên đấu giá là 168,5 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 tr/m2.Tổng số tiền trúng đấu giá huyện Đông Anh thu về gần 409 tỷ đồng. 

Ô đất X7 được ví như khu "đất vàng", khi nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh - khu vực đang được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng đến mục tiêu lên quận vào năm 2023.

Trước đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức đấu giá loạt lô đất tại xã Dục Tú với giá trúng đấu giá cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2.

TTXVN dẫn thông tin từ UBND huyện Đông Anh cho biết, tính đến giữa tháng 11, địa phương đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá với 324 thửa, tổng diện tích 36.401 m2, thu ngân sách nhà nước gần 1.800 tỷ đồng. Với kết quả này, Đông Anh dẫn đầu các quận, huyện ở Hà Nội về thu ngân sách từ đấu giá đất.

Đất Đông Anh từng sốt nóng ra sao?

Hạ tầng xung quanh các khu đất giá ở Đông Anh đều được tập trung hoàn thiện. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trên thực tế, phân khúc đất đấu giá nói riêng và bất động sản nói chung tại Đông Anh đã có dấu hiệu nóng dần từ giai đoạn 2018 - 2019, khi xuất hiện thông tin Hà Nội nâng cấp 4 huyện vùng ven lên quận. 

Đến đầu năm 2021, cơn sốt đất đã lan toả đến nhiều khu vực ở Đông Anh, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trao đổi với người viết, nhân viên sàn môi giới Đ.A Land cho biết, thời điểm đầu năm 2021, đất đấu giá vị trí đẹp tại Đông Anh dao động khoảng 35 - 70 triệu đồng/m2. Nếu muốn rẻ hơn thì phải đi xa khu vực trung tâm.

Với tài chính 1,5 tỷ đồng, thời điểm đó không có cơ hội mua đất tại khu vực gần cầu Tứ Liên vì khu này ăn theo dự án của Vingroup nên rất đắt. Còn nếu tài chính tầm 2,5 - 3 tỷ đồng có thể mua đất đấu giá ven trục Nhật Tân - Nội Bài.

Đất đấu giá nằm sát khu Công viên phần mềm Vintech đầu năm 2021 được rao bán với giá khoảng 37 - 40 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong ngõ tại các xã như Vĩnh Ngọc có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Còn tại trung tâm thị trấn Đông Anh, đất thổ cư dao động trong khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. So với cùng thời điểm 2019, giá đất Đông Anh đầu năm 2021 tăng khoảng 50 - 60%.

Sau giai đoạn sốt đất nhờ thông tin lên quận, giá đất Đông Anh tiếp tục đón làn sóng tăng trưởng mới sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng được TP Hà Nội duyệt vào tháng 3/2022 và thông tin quy hoạch đường vành đai 4.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay,  khi đi khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc xanh um, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản. 

Đánh giá về bất động sản Đông Anh nói chung, ông Đính cho rằng quy hoạch có tác động rất mạnh đến giá cả của thị trường này, ngay cả khi đang được nghiên cứu và chưa được công bố. Điều này có thể gây hiệu ứng tác động ngược lại quy hoạch.

Cụ thể, nếu mặt bằng giá đất tại Đông Anh tiếp tục tăng cao, chi phí để đền bù giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ cao, rất khó cho chính sách đền bù giải phóng mặt bằng có thể thực hiện được. Khi đó, quy hoạch sẽ khó đi vào thực tiễn.

Bởi vậy, nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng trong việc đầu tư, mua bán đất đai ở những vùng đang có công bố quy hoạch như Đông Anh, bởi vì quy hoạch công bố nhưng vẫn có thể có sự chỉnh sửa để phù hợp. 

"Theo đồ án quy hoạch ven sông Hồng, tỷ lệ cây xanh chiếm trên 30%. Nếu cứ mua bán lòng vòng làm tăng giá đất, rất có khả năng nhà đầu tư gặp phải rủi ro khi mua trúng đất quy hoạch công viên, cây xanh, do đó nhà đầu tư cần hết sức thận trọng”, Chủ tịch VARS khuyến cáo. 

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.