Khởi công vành đai 4 Hà Nội vào tháng 6/2023

Hà Nội dự kiến bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng đường vành đai 4 trong tháng 6/2023 để có thể khởi công dự án.

Ngày 14/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu khởi công trong tháng 6/2023, hoàn thành cơ bản trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội dự kiến bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023.

UBND thành phố giao huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông rà soát nhu cầu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư.

UBND quận Hà Đông phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố làm cơ sở để xem xét chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện.

Trên cơ sở chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong tháng 9 hoàn thành cắm mốc chỉ giới đường đỏ, mốc giải phóng mặt bằng.

Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1, 2.1 và thành phần 3, thành phố giao lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo trong tháng 10. Thỏa thuận phương án thiết kế liên quan công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đê điều, hành lang thoát lũ trong tháng 11. Hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trong tháng 12. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần vào tháng 1/2023.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, tổ chức khảo sát, sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 10/2022 - tháng 6/2023.

Liên quan đến vành đai 4,  UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND đề xuất không phải thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án vành đai 4. 

Về nguồn vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện vẫn chưa có quy định về trình tự, thủ tục đối với việc tách công tác bồi thường, tái định cư dự án vận hành độc lập. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn cho dự án thành phần chỉ được triển khai sau khi có quyết định phê duyệt dự án. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công tác giải phóng mặt bằng. 

Trên cơ sở đó, Hà Nội đề xuất xem xét cho phép ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để thực hiện xây dựng các khu tái định cư phục vụ vành đai 4. 

Trước đó, vào 30/8, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ nút giao giữa đường vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Hoài Đức. Hình thức nút giao này là nút giao liên thông khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh.

Chỉ giới đường đỏ của nút giao được xác định thông qua các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế thể hiện chi tiết trên bản vẽ. Đối với Đại lộ Thăng Long nằm ngoài phạm vi nút giao, sẽ được xác định theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

 

 

 

 

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.