Gấp rút giải phóng mặt bằng xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Các địa phương tại tỉnh Bắc Ninh đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

* Khi nhân dân đồng thuận

Xác định giải phóng mặt bằng, tái định cư là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn đều tích cực triển khai mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công theo đúng kế hoạch.

Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa phận thị xã Quế Võ khoảng 6,7 km, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến khoảng 67,4ha của 3 xã Chi Lăng, Yên Giả và Phượng Mao; trong đó, trên 90% là diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, thị xã Quế Võ đã thu hồi 41,68ha/ 67,4ha với số tiền 128,76 tỷ đồng, đạt 61,84%. Dự kiến đến 30/6, Quế Võ hoàn thành giải phóng 51,28ha, chi trả 177,9 tỷ đồng, đạt 76,08%.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được địa phương gấp rút triển khai với sự đồng thuận cao của người dân. Bà Đào Thị Tạo, 80 tuổi, thôn Đồng, xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ cho biết, gia đình bà và các con có gần 1.000m2 đất được thu hồi khi xây dựng đường Vàng đai 4. Sau khi có chủ trương và được tuyên truyền gia đình bà rất đồng tình, ủng hộ. Bà hy vọng khi con đường đi vào sử dụng sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Chu Văn Thi, Trưởng thôn thôn Đồng, xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ cho biết, trong giai đoạn đầu giải phóng mặt bằng với diện tích đất nông nghiệp tại địa phương diễn ra rất thuận lợi, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thôn Đồng, xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ có 69 hộ với 33.000m2 đất thu hồi, khi nhận được thông báo người dân rất hợp tác đo đạc diện tích, ký cam kết và nhận tiền bồi thường. Đến nay, người dân trong thôn đã hoàn thành nhận tiền bồi thường.

Cùng với thị xã Quế Võ, thành phố Bắc Ninh đã sớm chủ động, quyết liệt trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Bắc Ninh cho biết, UBND thành phố đã ban hành các văn bản về triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thành lập Tổ giúp việc Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các đồng chí Chủ tịch UBND các phường là Tổ Trưởng.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, thành phố đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng để nhân dân đồng thuận, ủng hộ thực hiện dự án đảm bảo tiến độ dự án đã để ra. Thành phố Bắc Ninh thu hồi 104,4 ha đất nông nghiệp và 2,9ha đất ở tại phường Nam Sơn, Hạp Lĩnh, Khắc Niệm, Võ Cường. Đến nay, thành phố đã thu hồi 88,80ha/98,86ha với số tiền 261 tỷ đồng, đạt 89,82%.

* Quyết tâm hoàn thành mục tiêu chính trị

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3km (24,3km tuyến chính và 9 km tuyến nối đến nút giao phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh) đi qua huyện Gia Bình, 2 thị xã Thuận Thành, Quế Võ và TP Bắc Ninh.

Dự án đoạn qua địa phận Bắc Ninh được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 5.210 tỷ đồng; trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng 2.480 tỷ đồng phải giải phóng 358,39ha và 2.730 tỷ đồng đầu tư đường hai bên 2.730. Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng 2.110 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Bắc Ninh 3.100 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Minh Hiếu cho biết, Ban Chỉ đạo dự án, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông tỉnh phối hợp với thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng. Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương công tác chuẩn bị đã đáp ứng các điều kiện để triển khai dự án.

Tính đến 23/6, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt phương án và thu hồi đất 279,67ha/358,39 ha, đạt 78,04% (thành phố Bắc Ninh 88,80/98,86 ha; thị xã Thuận Thành 142,86/185,80 ha; huyện Gia Bình 6,33/6,33 ha; thị xã Quế Võ 41,68/67,40 ha).

Tổng số mộ chí đã di chuyển 39/2688 ngôi mộ, đạt 1,5%. Tổng số tiền đã phê duyệt phương án và thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 872,17 tỷ đồng.  Dự kiến đến 30/6, tỉnh sẽ bàn giao 293,01ha, đạt 81,76%, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.

Đối với dự án thành phần xây dựng đường song hành, chủ đầu tư đang lựa chọn các nhà thầu tư vấn và ký hợp đồng các gói thầu tư vấn, lập nhiệm vụ khảo sát, thiết kế bước thiết kế bản vẽ thi công; thẩm tra nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế bước thiết kế bản vẽ thi công; khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; giám sát công tác khảo sát; thẩm tra thiết kế bản vẽ thiết kế thi công và dự toán; dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2023; lập, trình thẩm định, phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cuối tháng 7/2023 và dự kiến khởi công công trình tháng 9 - 10/2023.

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bắc Ninh còn gặp khó khăn khi thực hiện dự án do báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Bên cạnh đó, mặc dù, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu tại Báo cáo số 121/BC-BQLCTGT ngày 12/5/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh vẫn chưa nhận được hồ sơ.

Tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thành phần giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh trong tháng 6/2023.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương tạo điều kiện, rút ngắn thời gian thẩm định khi nhận được hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công với hồ sơ khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán Dự án thành phần xây dựng đường đô thị (đường song hành) địa phận tỉnh Bắc Ninh; hạng mục di dời đường điện cao thế 110kV; 220kV và 500Kv…

Đồng thời, Bắc Ninh kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho phép thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.3 (Dự án thành phần giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh) và 2.3 (Dự án thành phần xây dựng đường đô thị) không vượt tổng mức đầu tư cả 2 dự án tại chủ trương đầu tư; tổng hợp báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khi tổng mức đầu tư vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Tỉnh Bắc Ninh bố trí bổ sung nguồn vốn tăng thêm từ ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.