Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không cố định 15 m

TP HCM chọn phương án cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn có tĩnh không cố định 15 m, thay vì nhịp chính có thể nâng hạ lên 45 m như tính toán trước đây.

Nội dung nêu trong công văn UBND thành phố vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải để xin ý kiến về phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 7.

Theo phương án trên, dự án có chiều dài 2,16 km (phần cầu chính hơn 1,6 km), 6 làn xe, tĩnh không thông thuyền (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu) là 15 m, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.840 tỷ đồng. Kết cấu nhịp chính của cầu cố định, không còn giải pháp nâng hạ.

Một phương án dự thi thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4. (Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM).

TP HCM đánh giá tĩnh không thông thuyền của cầu 15 m sẽ thuận lợi cho phương tiện đường thủy cỡ lớn hoạt động, nhất là tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch. Việc này cũng giúp khai thác hiệu quả cảng Nhà Rồng, Khánh Hội và cảnh quan trên sông Sài Gòn.

Trước đó, quá trình nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, ngành giao thông thành phố đưa ra giải pháp cầu có tĩnh không khai thác bình thường 15 m, nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45 m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng. Thiết kế này được xem là độc đáo, linh động cho tàu lớn di chuyển, nhưng cũng có một số ý kiến băn khoăn về cách tổ chức giao thông sau này. Ngoài ra, giải pháp trên cũng cần vốn đầu tư lớn hơn, khoảng 6.030 tỷ đồng.

Thiết kế nhịp chính của cầu có thể nâng hạ được nghiên cứu trước đây. (Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM).

Ngoài tĩnh không 15 m, cầu Thủ Thiêm 4 còn một phương án khác được nghiên cứu là 10 m. Với phương án này, dự án có vốn đầu tư ít hơn, khoảng 4.365 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chính quyền thành phố, phương án này sẽ làm hạn chế hoạt động giao thông, du lịch đường thủy, ảnh hưởng khai thác các cảng Nhà Rồng, Khánh Hội...

Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ. Công trình dự kiến khởi công dịp 30/4 năm tới, hoàn thành năm 2028.

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Cầu Thủ Thiêm 4 khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Thủ Đức và Bình Thạnh qua các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh. Công trình cũng giúp giảm áp lực trên các trục đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh.

Kết nối giao thông giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vùng xung quanh được quy hoạch 5 cây cầu và một hầm. Hiện, cầu Thủ Thiêm 1, Ba Son (Thủ Thiêm 2) và hầm vượt sông Sài Gòn trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đã khai thác. Ngoài Thủ Thiêm 4, còn cầu Thủ Thiêm 3 nối khu đô thị này sang quận 4 và cầu đi bộ qua quận 1 chưa đầu tư.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.