Cần Thơ duyệt quy hoạch phân khu KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 gần 294 ha

KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 nằm tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, với diện tích quy hoạch gần 294 ha.

Sơ đồ vị trí KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1. (Ảnh: Báo Giao thông).

Ngày 24/4, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh giai đoạn 1.

Theo đó, KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 nằm tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Phía bắc và đông bắc giáp khu dân cư hiện hữu và khu vực canh tác nông nghiệp xã Vĩnh Trinh; phía tây bắc giáp khu tái định cư và dân cư xã Vĩnh Trinh; phía nam và tây nam giáp khu vực canh tác nông nghiệp xã Vĩnh Trinh; phía đông nam giáp hành lang an toàn tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 293,7 ha, có tổng mức đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng. Chỉ tiêu dân số lao động dự kiến từ 15.000 - 20.000 lao động.

Về tính chất, đây là khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của các nhà đầu tư.

Về loại hình sản xuất, KCN dự kiến bố trí đa dạng các ngành nghề với các loại hình công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và ưu tiên các ngành nghề theo Quyết định ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. 

Đối với hệ thống phân khu chức năng, đất sản xuất, kho bãi (bao gồm cả đất xây dựng công trình dịch vụ, hành chính của từng nhà máy, cơ sở sản xuất) có diện tích là 207,6 ha, chiếm khoảng 71% tổng diện tích KCN.

Diện tích các lô đất được chia thành các loại với quy mô diện tích nhỏ hơn 2 ha và lớn hơn 2 ha, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Các lô đất này có thể cộng gộp hoặc phân chia nhỏ tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư.

Đất khu dịch vụ có diện tích là 4,4 ha, chiếm 1,5% tổng diện tích Khu công nghiệp; bố trí khu công trình dịch vụ ở hai khu vực điểm đầu vào của khu công nghiệp, phục vụ nhu cầu của người lao động trong khu công nghiệp cũng như cư dân. Các công trình dịch vụ này sẽ là công trình điểm nhấn kiến trúc có tính chất cửa ngõ của KCN.

Các chức năng bố trí trong khu này bao gồm: văn phòng điều hành KCN, phòng họp, nhà hàng, cửa hàng, chi nhánh ngân hàng, bưu điện, trạm y tế...

Đất công trình hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích khoảng 4 ha, chiếm 1,36% tổng diện tích Khu công nghiệp, bao gồm các công trình gồm trạm biến áp: Xây dựng hai trạm biến áp 110/22KV, diện tích 1,26 ha; trạm xử lý nước thải: Xây dựng một trạm xử lý nước thải khu vực phía đông KCN, tổng diện tích 2,5 ha; trạm bơm tăng áp: Xây dựng một trạm bơm tăng áp phía tây bắc khu công nghiệp với tổng diện tích 0,2 ha.

Khu đất cây xanh, mặt nước có diện tích là 37,8 ha, tương ứng với tỷ lệ đất cây xanh là 13% tổng diện tích khu công nghiệp; bố trí dải cây xanh cách ly giữa KCN với các khu dân cư hiện trạng và khu dân cư đã có 4 quy hoạch, theo đúng định hướng của Quy hoạch chung và quy định hiện hành về dải cây xanh cách ly trong KCN.

Bố trí cây đất cây xanh dọc theo kênh dẫn nước, vừa làm nơi nghỉ ngơi thư giãn cho người lao động trong KCN. Danh mục cây cụ thể theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh TP Cần Thơ đến năm 2030.

Về mật độ xây dựng, mật độ xây dựng thuần của lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng tối đa là 70%. Đối với các lô đất xây dựng nhà máy có trên 5 sàn sử dụng để sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa là 60%; đối với đất công trình hành chính, dịch vụ là 70%; đối với đất khu kỹ thuật là 70%.

Về tầng cao trung bình và hệ số sử dụng đất, khu công trình hành chính, dịch vụ có tầng cao tối đa 18 tầng; khu kỹ thuật từ 1 - 4 tầng.

Dự án này dự kiến phân làm hai giai đoạn đầu tư (từ 2021 - 2026), giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước từ năm 2021 - 2023, bao gồm xin chấp thuận chủ trương đầu tư; xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án; lập quy hoạch phân khu 1/2000; thiết kế cơ sở, lập Dự án đầu tư xây dựng và thiết kế bản vẽ thi công; thực hiện các thủ tục có liên quan để khởi công dự án.

Giai đoạn thực hiện đầu tư sẽ từ năm 2023 - 2026, bao gồm hoàn thành công tác thi công san nền, xây dựng đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải... Dự kiến cho thuê cơ sở hạ tầng từ năm 2023 - 2026 là sẽ lấp đầy dự án.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.