Ngày 11/1, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Cơ chế cuối cùng nêu rõ sẽ thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm sẽ được áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về thủ tục hải quan và thuế.
Nhằm triển khai chính sách này, mới đây, Văn phòng UBND TP Cần Thơ đã ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Việt Trường tại cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo đề xuất vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và TP sân bay.
Lãnh đạo TP thống nhất sơ bộ về vị trí quy hoạch chức năng (khu kinh tế, dịch vu, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao) gắn với không gian xung quanh Sân bay quốc tế Cần Thơ, đường vành đai phía tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn.
Ranh giới trên địa bàn quận Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền theo báo cáo của Sở Xây dựng. Cụ thể, phạm vi quy hoạch gồm một phần quận Bình Thủy (khu vực hai bên đường Võ Văn Kiệt, khu đô thị hiện hữu gần sông cũng như khu vực Cồn Sơn, khu vực đường vành đai phía tây tiếp nối với đô thị quận Ninh Kiều), một phần mở rộng về phía quận Ô Môn cho các chức năng công nghiệp, năng lượng và một phần về huyện Phong.
Diện tích liên quan khoảng 10.670 ha (vừa kết hợp phạm vi đô thị hiện hữu, khu mới, sân bay mở rộng,...).
Do đó, Chủ tịch TP đề nghị quy hoạch cần xác định khu vực sản xuất chế biến, phân phối, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết với nội vùng, liên vùng, đồng thời kết nối với logistics hàng không, logisstics Cảng Cái Cui, logistics Tân cảng Thốt Nốt (bằng đường thủy, hàng không, đường bộ, đường sắt) và kết nối với các trung tâm quận, huyện, nhằm khai thác hiệu quả tối đa đối với các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP Cần Thơ.
Vị lãnh đạo này đề nghị các sở ban ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thống nhất về mối quan hệ và chức năng chính của các khu, chức năng bổ trợ khác để đảm bảo hình thành các hoạt động đa dạng, hoàn chỉnh của một khu vực đô thị; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh, cụ thể hóa các giai đoạn đề xuất đầu tư tiếp theo, để tích hợp vào các quy hoạch liên quan (quy hoạch tích hợp, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu) làm cơ sở để thành phố sớm thực hiện chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, thành phố cũng thống nhất đề xuất quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ về phía nam.
Các sở, ngành khẩn trương xây dựng đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tham mưu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.
Về thời gian, dự thảo đề án trình TP trước ngày 10/3; trình xin ý kiến Bộ ngành Trung ương dự thảo trước ngày 30/3; hoàn thành đề án trình Văn phòng Chính phủ thẩm định trong tháng 4/2022.
6 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua như sau:
Thứ nhất, về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Chính phủ kiến nghị thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay từ các tổ chức tài chính hoặc tổ chức khác trong nước; từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.
HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phía chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên, để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác.
Thứ hai, về quản lý đất đai: HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.
Thứ ba, về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.
Chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với TP Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Thứ 4, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức: Sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND thành phố được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Mức chi tăng thêm này dựa trên hiệu quả công việc và không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do HĐND thành phố quy định. Việc chi thu nhập tăng thêm chỉ thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.
Thứ 5, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào, có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng, được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ.
Thứ 6, áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về thủ tục hải quan và thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.