Liên doanh các nhà đầu tư Becamex IDC - VSIP JV- VSIP JSC vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Môi trường Việt Nam.
Vào tháng 1, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thống nhất tiếp nhận tài trợ của liên doanh để lập quy hoạch KCN Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 900 ha. Đến tháng 10, TP Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn 1 dự án cho các nhà đầu tư.
KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 có diện tích gần 294 ha. Phía Đông Bắc cách tuyến cao tốc Cần Thơ - An Giang - Campuchia khoảng 1,1 km; phía Đông Nam tiếp giáp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hướng từ đường dẫn cầu Vàm Cống và kéo dài khoảng 2,5 km; phía Tây giáp khu dân cư hiện hữu và phía Tây Bắc cách quốc lộ 80 khoảng 850 m; phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu xã Vĩnh Trinh.
Vị trí này cách UBND xã Vĩnh Trinh khoảng 1 km về phía Tây Nam; cách trường mẫu giáo, trường THCS Vĩnh Trinh khoảng 900 m về phía Tây Nam; cách chợ Cái Sắn khoảng 4 km về phía Đông Bắc; cách công viên ngã ba Lộ Tẻ khoảng 3,5 km về phía Đông Bắc. Cách sân bay Cần Thơ khoảng 50 km về phía Đông Nam.
Ngoài ra, dự án cách trung tâm TP Cần Thơ khảng 70 km về phía Đông Nam. Kết nối các KCN lớn như KCN Trà Nóc I, KCN Trà Nóc II, KCN Thốt Nốt, KCN Hưng Phú I, KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B, KCN Ô Môn. Về quy mô lao động, KCN dự kiến thu hút khoảng 15.000 - 20.000 lao động.
Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất trồng lúa nước (245,4 ha), đất trồng cây hàng năm và lâu năm (15,9 ha),… nằm trong chỉ tiêu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp của Chính phủ.
Ngoài ra các loại đất khác (32,4 ha) bao gồm đất cư dân hiện hữu, đất mặt nước, đất nuôi trồng thủy sản, đất giao thông. Khu vực thực hiện dự án không có rừng tự nhiên, không có rừng đặc dụng, phòng hộ, không có rừng do nhà nước đầu tư, quản lý.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 211 ha làm nhà máy, kho tàng; hơn 29 ha đất cây xanh; hơn 37 ha đất giao thông và còn lại là đất mặt nước, hành chính dịch vụ, kỹ thuật...
Khu nhà máy, kho tàng có mật độ xây dựng không quá 70%, được chia thành các lô đất có diện tích từ 1,5 ha. trường hợp khách hàng có nhu cầu có thể gộp hai hoặc nhiều lô với nhau tạo thành một lô lớn. Chiều cao công trình trong khu vực nhà máy tùy theo nhu cầu của ngành nghề sản xuất. Chỉ giới xây dựng nhà máy cách chỉ giới đường đỏ tối thiểu 6 m.
Các nhà máy tại dự án sẽ được phân bố theo 3 nhóm ngành. Trong đó, ngành nghề phát sinh ít chất thải, tiếng ồn sẽ được bố trí vào các lô đất bên ngoài. Tiếp đến là khu vực giữa, phía trong khu công nghiệp là nhà máy phát sinh tiếng ồn, bụi, khí thải ở mức trung bình. Các nhà máy phát sinh chất thải cao hơn sẽ được bố trí vào sâu bên trong, vùng lõi của khu công nghiệp, cách xa khu dân cư.
Thêm vào đó, các nhà máy còn được cách ly bởi cây xanh. Tiêu chí chung, dự án sẽ không bố trí các ngành nghề thực phẩm gần các ngành nghề phân bón, hóa chất,.. để tránh gây ô nhiễm chéo.
Ngoài ra, các lô đất được bố trí phân nhỏ, linh hoạt theo nhu cầu của nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo các quy chuẩn về quy hoạch và xây dựng KCN. Tuy nhiên, khi phần diện tích đất ít ô nhiễm đã lấp đầy, nếu KCN có nhu cầu thêm, sẽ tiếp tục bố trí các nhà máy ít ô nhiễm vào phần đất của nhóm ô nhiễm trung bình và nhóm ô nhiễm cao để thu hút đầu tư.
Khu công trình hành chính dịch vụ tại dự án có mật độ xây dựng không quá 70%, tầng cao không quá 16 tầng, được định hướng là điểm nhấn kiến trúc, là biểu tượng cửa ngõ của KCN.
Về giao thông, lối ra vào chính được tổ chức từ nút giao thông kết nối với quốc lộ 80; lối ra vào phụ được tổ chức từ nút giao thông kết nối với đường dẫn cao tốc theo quy hoạch. Hình thành 4 nút giao, kết nối với trục đường chính của KCN trong giai đoạn dài hạn. Quy mô mặt cắt ngang được lựa chọn với bề rộng 6 làn xe.
Khu cây xanh được bố trí kết hợp giữa các khu cây xanh tập trung và cây xanh phân tán dọc theo các trục đường giao thông trong khu công nghiệp. Ngoài ra còn có dải cây xanh cách ly từ 20 m chạy dọc ranh giới khu công nghiệp và khu vực xung quanh.
Khu mặt nước gồm các mương thoát nước hở đảm bảo tiêu và thoát nước mặt tự nhiên. Ngoài ra còn tổ chức các hồ, bể cảnh tại khu quảng trường góp phần tạo cảnh quan và cải thiện vi khí hậu.
Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật bao gồm các trạm điện, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải, trạm bơm được bố trí tại các vị trí phù hợp với chức năng, mật độ xây dựng 70%, tầng cao trung bình 1 - 2 tầng.
Giai đoạn vận hành, hệ thống thoát nước mưa của dự án sẽ độc lập với thoát nước thải. Cụ thể, nước mặt từ các lô đất nhà máy, cây xanh, đường giao thông được thu gom thông qua các cửa thu sau đó thoát vào hệ thống cống rãnh đặt song song các tuyến đường giao thông sau đó thoát vào hệ thống kênh trong dự án, kênh hiện trạng.
Dự án có 3 lưu vực thoát nước: Lưu vực 1 thoát về kênh T1 sau đó thoát về sông Rạch Chanh và kênh Cái Sắn; lưu vực 2 thoát về kênh T2 sau đó thoát về sông Rạch Chanh và kênh Cái Sắn; lưu vực 3 thoát về các rạch hiện trạng phía bắc dự án sau đó thoát về rạch Ngã Chùa.
Trạm xử lý nước thải của dự án rộng 2,5 ha, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ thoát vào nguồn tiếp nhận kênh T1, sau đó thoát vào sông Rạch Chanh và kênh Cái Sắn. Nước thải sau xử lý một phần được tái sử dụng để tưới cây, rửa đường trong KCN.
Trong ĐTM, chủ đầu tư cho biết chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích 293,7 ha dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, với chi phí ước tính hơn 1.147 tỷ đồng.
Trong đó, đất và các công trình kiến trúc sẽ được đền bù theo mức giá quy định hiện hành của TP Cần Thơ. Việc thu hồi đất trồng trọt và đất ở sẽ áp dụng chính sách đền bù và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động nông nghiệp phải làm nghề khác do bị thu hồi đất. Các lao động này sẽ được ưu tiên hỗ trợ tuyển chọn vào làm việc trong dự án giai đoạn xây dựng.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn quý III/2022 - quý II/2024 chủ đầu tư sẽ tập trung đền bù, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn đến quý III/2027 tập trung hoàn thành công tác thi công san nền, xây dựng đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 3.718 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 3.645 tỷ đồng và vốn lưu động 73 tỷ đồng. Chi phí về đất là 1.634 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 1.751 tỷ đồng...
Vốn góp của nhà đầu tư tại dự án là 558 tỷ đồng, tương đương 24 triệu USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Vốn huy động là 930 tỷ đồng, tương đương 40 triệu USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư. Vốn khác là 2.230 tỷ đồng, tương đương 96 triệu USD, chiếm 60%.
Về kế hoạch cho thuê cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư dự kiến cho thuê gần 215 ha đất trong 4 năm, Cụ thể, năm 2023 là 50 ha, năm 2024 là 60 ha, năm 2025 là 60 ha và năm 2026 là 45 ha. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng có thể thay đổi theo khả năng thu hút đầu tư trong các năm đầu (2023 - 2024) đạt khoảng 50 ha.
Nói về liên doanh chủ đầu tư, cả ba doanh nghiệp Becamex IDC, VSIP JV và VSIP JSC đều liên quan đến VSIP Group.
Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Becamex IDC. Tính đến cuối 2021, VSIP có vốn điều lệ 1.222 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC nắm giữ 49%.
Hiện nay, VSIP và Becamex IDC đang hợp tác phát triển nhiều KCN trên cả nước. Có thể kể đến như VSIP Bắc Ninh, VSIP Hải Phòng, VSIP Hải Dương, VSIP Nghệ An, VSIP Quảng Ngãi, VSIP Bình Định, VSIP Bình Thuận...
Về phía Becamex IDC, đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản KCN trên cả nước. Becamex IDC tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex) được ra đời từ năm 1976. Năm 2017, doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình TNHH MTV sang CTCP. Tính đến cuối quý III, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng, tổng tài sản 49.228 tỷ đồng.
Hiện nay, Becamex IDC đang sở hữu 7 KCN với quỹ đất hàng nghìn ha, gồm KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 (1.288 ha); KCN Bàu Bàng (735 ha); KCN Bàu Bàng mở rộng (755 ha); KCN Thới Hoà (153 ha); KCN Cây Trường (490 ha). Tính đến cuối năm 2021, diện tích thương phẩm còn lại tại các KCN trên còn hơn 944 ha.
Doanh nghiệp thứ 3 trong liên doanh là VSIP JSC, tên đầy đủ là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tính đến cuối 2021, VSIP JSC có vốn điều lệ 650 tỷ đồng, trong đó Becamex nắm 8%.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025