Cần Thơ quy hoạch 'thành phố sân bay' quy mô 10.000 ha

Do không có biển hay cửa khẩu, Cần Thơ dự kiến sẽ quy hoạch thành phố sân bay 10.000 ha, trong đó sẽ dành khoảng 2.000 ha để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi làm việc với phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ngày 22/3, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay: “Cần Thơ không có biển cũng như cửa khẩu, cho nên địa phương không tập trung thực hiện phát triển những loại hình kinh tế này. Cần Thơ có sân bay quốc tế nên quy hoạch có thành phố sân bay 10.000 ha để vươn ra thế giới”, theo Vietnamnet.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong “thành phố sân bay”, sẽ dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000 ha để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL.

Cần Thơ quy hoạch 'thành phố sân bay' quy mô 10.000 ha để vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường giao lưu, tặng quà Đại sứ các nước thuộc EU tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Cần Thơ).

Thành phố sẽ mở rộng sân bay để đầu tư thêm hệ thống liên quan nhằm phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL đến đây để xuất khẩu ra thế giới…

Lãnh đạo TP Cần Thơ mong muốn được hợp tác với các nước trong khối EU. Trong đó, sẽ tập trung hợp tác về lĩnh vực chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như hợp tác sản xuất các phụ kiện, linh kiện để phục vụ cho “thành phố sân bay” này.

Theo TTXVN, tại buổi làm việc, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cũng cho biết, trong tổng số các dự án mà EU đầu tư vào Việt Nam trong kế hoạch đa niên giai đoạn 2021-2027, các dự án liên quan đến khu vực ĐBSCL là 70 chương trình, dự án với nguồn vốn tài trợ là 548 triệu euro; trong đó, 2/3 là nguồn vốn cho vay và 1/3 là nguồn vốn là viện trợ không hoàn lại.

Trong tổng số 70 chương trình, dự án có 11 chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến thành phố Cần Thơ với nguồn vốn dự kiến khoảng 26 triệu euro; trong đó, chương trình có nguồn vốn cho vay lớn nhất là 20 triệu Euro liên quan đến vấn đề xử lý tình trạng nước biển dâng và thích ứng với biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.

Hiện nay, EU cũng đã hỗ trợ cho quá trình chuẩn bị kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ trong năm 2021 thông qua sự hỗ trợ dành cho Công ước toàn cầu đối về biến đổi khí hậu và năng lượng... 

Từ đó, nhằm hỗ trợ cho ĐBSCL thành hình mẫu của các quốc gia, khu vực và toàn cầu về những hành động để chống chọi tốt với tác động của biến đổi khí hậu.

Các đối tác EU rất hoan nghênh việc ký kết gần đây về kế hoạch tổng thể phát triển khu vực ĐBSCL của Việt Nam và tin tưởng rằng kế hoạch ký kết này sẽ đi đúng hướng và sẽ được thực hiện thành công.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước châu Âu là 125,92 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, dược phẩm, thuốc thú y, thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng khác (da thuộc, máy móc thiết bị).

Kim ngạch nhập khẩu là 14,45 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, nông dược, thuốc thú y, vải và một số mặt hàng khác (lông vũ, da thuộc, xe các loại...).

Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng có nhiều chương trình hợp tác đầu tư, giao lưu hữu nghị với các nước như Pháp, Hungary, Hà Lan, Đức, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na Uy...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.