Cảnh báo thị trường bất động sản gặp khó, Bộ Xây dựng bàn cách ‘giải cứu’

Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến, bàn các giải pháp gỡ khó khăn cho thị trường.

Cảnh báo thị trường gặp khó, tiếp tục suy giảm

Đây là đánh giá được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề vừa gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thị trường bất động sản năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm. Về lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quí III, quí IV/2019), các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng các năm trước (lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng 2018).

Cảnh báo thị trường bất động sản gặp khó, Bộ Xây dựng bàn cách ‘giải cứu’ - Ảnh 1.

Thời gian qua, 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động.

"Nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020", Bộ Xây dựng nhận định.

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2020, Bộ này cho rằng thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây (sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm).

Trong khi đó, về giá bất động sản, 3 tháng đầu năm 2020 tại một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển có biến động, tuy nhiên mức độ biến động không lớn.

Cụ thể: Tại TP Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng năm 2019, đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng . Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%.

Theo Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).

Cùng với đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường...

800 sàn bất động sản ngừng hoạt động

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động.

Theo thông tin nghiên cứu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV thì số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng 94,1%; Đồng thời số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quí I/2020 so với cùng năm trước.

Cảnh báo thị trường bất động sản gặp khó, Bộ Xây dựng bàn cách ‘giải cứu’ - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá, thị trường bất động sản quí 1/2020 bị trầm lắng thậm chí tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

"Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động", ông Châu nói.

Trước thực tế trên, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có văn bản đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà bị tác động bởi dịch COVID-19 và chuẩn bị tái khởi động thị trường.

Trong đó, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án thêm 5 tháng đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phát sinh trong tháng 3 đến tháng 6-2020, giãn 12 tháng nộp tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng kiến nghị doanh nghiệp bất động sản giãn tiến độ thu tiền mua nhà, thuê nhà trong giai đoạn dịch; chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển bất động sản xanh và thông minh, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tái khởi động thị trường sau dịch.

Bộ Xây dựng lấy ý kiến "giải cứu" thị trường

Sáng ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản để lấy ý kiến, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 thúc đẩy lĩnh vực nhà ở - BĐS tăng trưởng ổn định, bền vững.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng khi đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - coi đây là giải pháp tạo đà, "kích thích" sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.

Các chuyên gia cũng cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như: xem xét cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay;…

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.