(Ảnh: Báo mới) |
Ngày 15/09, bão số 10 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó đã có 6 người thiệt mạng, 8 người bị thương, nhiều gia đình tại các tỉnh miền Trung mất nhà cửa, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng... Hiện các địa phương vẫn đang huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả do bão.
Bão số 10 tuy đã đi qua nhưng sau bão, vấn đề ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại nhiều địa phương là điều khó tránh khỏi. Đây là điều kiện "tốt" cho vi sinh vật phát triển và cùng với rác, chất thải, cuốn theo dòng nước, tràn ra khắp nơi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Người dân tiến hành dọn dẹp nhà cửa sau bão. (Ảnh: Sức khỏe) |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, cảm cúm và nước ăn chân, đau mắt đỏ… dễ xuất hiện và bùng phát vào thời điểm mưa lũ kéo dài.
Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, cùng với đó, sức đề kháng của người dân có phần suy giảm nên dễ khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết có thể sẽ bùng phát mạnh hơn.
Môi trường không đảm bảo, sức khỏe người dân giảm sút do phải "gồng mình" chống bão là điều kiện khiến dịch bệnh gia tăng (Ảnh: Tiền Phong) |
Theo Cục Y tế dự phòng, Đến nay cả nước ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 29 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca sốt xuất huyết nhập viện năm nay đang cao hơn 43% (105.000 ca), số tử vong tăng 10 trường hợp. Số mắc tập trung cao nhất tại miền Nam (49%), sau đó là miền Bắc (34,4%), miền Trung (13,5%), khu vực Tây Nguyên (3,1%). Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số mắc sốt xuất huyết tích lũy cao với hơn 28.000 trường hợp, thứ hai là TP HCM với hơn 22.000 người mắc sốt xuất huyết. Các tỉnh thành có số mắc tích lũy đứng tiếp theo là Bình Dương (8.013), Đà Nẵng (6.010), Đồng Nai (4.166), Nam Định (3.867), An Giang (3.707), Đồng Tháp (2.585), Sóc Trăng (2.561), Khánh Hòa (2.241) trường hợp. |
Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng sau mưa lũ, mọi người cần nâng cao ý thực và thực hiện các biện pháp phòng tránh:
- Diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào các nơi chứa nước để cá diệt bọ gậy.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát kê chân chạn, thường xuyên thay rửa lọ hoa. Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở.
- Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi, hương xua muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Tẩm hóa chất chống muỗi vào chăn màn, rèm. Cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết hay sốt rét nằm trong màn, tránh muỗi đốt và truyền bệnh sang người khác.
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Ngoài ra, người dân cần bảo đảm vệ sinh môi trường bằng cách nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Ngoài nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết, sau mưa bão, một số các bệnh khác hay phát sinh:
Bệnh về da
Bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da.
Bệnh xương khớp
Thời tiết thất thường, mưa nắng bất chợt, không khí lạnh, ẩm ướt đột ngột khiến nhiều người bị đau xương khớp, co cứng cơ. Đặc biệt là khớp hông, đầu gối, vai, tay, thắt lưng. Các khớp còn có thể bị sưng, gây khó khăn khi vận động.
(Ảnh: Vicare) |
Bệnh về mắt
Mưa bão kéo dài, bệnh đau mắt cũng có nguy cơ bùng phát do sử dụng nguồn nước bẩn. Vì vậy, người dân cần thường xuyên tắm và rửa mặt bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn để phòng bệnh đau mắt và bệnh ngoài da.
Bệnh đường tiêu hóa Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, Giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.
Viêm gan E
Viêm gan E là bệnh lây qua thức ăn, nước uống. Trong mùa mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virut viêm gan E, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt. Virustrong nước bám vào thực phẩm, nước uống và khi tiêu hóa phải thức ăn, nước uống đó sẽ dễ mắc bệnh.
Âm tính sốt xuất huyết, đang khoẻ mạnh bỗng chảy máu ồ ạt | |
Hà Nội cảnh báo dịch sốt xuất huyết sẽ kéo dài đến tháng 11 | |
Lịch sử đáng sợ của căn bệnh sốt xuất huyết |