Novameat, một công ty ở Tây Ban Nha, đã sản xuất một loại bít tết có nguồn gốc thực vật mà, theo giới truyền thông, giống thịt thật nhất trên thị trường và mô phỏng kết cấu và hình thức của bít tết thật. Các thành phần của nó, bao gồm hạt đậu, rong biển và nước ép củ cải đường, được tạo hình thành các sợi mịn để tái tạo các mô cơ.
Giuseppe Scionti, nhà sáng lập công ty, tiết lộ bí mật của món bít tết là một công nghệ được cấp bằng sáng chế, tạo ra các sợi siêu mịn giống hệt các sợi cơ và chất béo trong bít tết. Nó sẽ hiện diện tại một số nhà hàng ở Tây Ban Nha và Italy trong năm nay, và công ty có kế hoạch tăng quy mô công nghệ và mở rộng thị trường hơn nữa vào năm tới.
Ấn Độ, Trung Quốc là những quốc gia đông dân nhất thế giới. Niềm tin rằng phần lớn dân số ở Ấn Độ theo một chế độ ăn chay là một quan niệm sai lầm. Trên thực tế, 2/3 người Ấn Độ ăn thịt. Tuy nhiên, lượng thịt mỗi người dân tiêu thụ vẫn ở thấp nhất trên thế giới.
Sự thịnh vượng tăng đồng nghĩa với việc tiêu thụ thịt có thể sẽ tăng ở cả hai quốc gia trong vài thập kỷ tới. Trung bình mỗi người Trung Quốc tiêu thụ 137 pound (62 kg) thịt mỗi năm vào năm 2013, so với chỉ 9 pound (4 kg) mỗi năm vào năm 1961.
Một báo cáo năm ngoái cho thấy người tiêu dùng ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn so với người tiêu dùng ở Mỹ đối với thịt có nguồn gốc thực vật.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng phát hiện của họ cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng ở Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Mỹ, sẽ sẵn sàng khi các nhà sản xuất cung cấp thực phẩm có nguồn gốc thực vật cho họ.
Tuy nhiên, sự đổi mới các sản phẩm có nguồn gốc thực vật đang bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc, nơi ngành này được định giá khoảng 884 triệu USD vào năm 2018 và đang ngày càng tăng lên qua từng năm.
Ở Bắc Kinh, công ty Zhenmeat đã tạo ra thịt băm có nguồn gốc thực vật bằng cách sử dụng protein từ đậu mà có thể được sử dụng để chế biến các món ăn như bánh bao và thịt viên, theo người đồng sáng lập công ty, ông Vincent Lu.
Lu nói thêm rằng công ty đang đàm phán với các nhà đầu tư ở Châu Âu và Mỹ, và trong năm đầu tiên, họ đã huy động khoản vốn 723.000 USD.
Tuy nhiên, Zhenmeat phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ, khi Beyond Meat đặt mục tiêu sản xuất bánh mì kẹp thịt ở đó vào cuối năm nay. Cả Beyond Meat và Impossible Foods đều bán bánh mì kẹp thịt của họ ở Hong Kong, Ma Cao và Singapore, và Beyond Meat cũng hoạt động ở 50 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Zhenmeat cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ công ty khởi nghiệp V2food sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật của Úc. Công ty này đang chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng và có lợi thế là rất ít đối thủ cạnh tranh ở Úc. Giám đốc điều hành Nick Hazell cho biết ông muốn mở rộng thị trường ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm tới.
Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), tổ chức tài trợ cho V2food, dự đoán rằng ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc thực vật ở Úc sẽ trị giá hơn 6 tỷ USD vào năm 2030. Hiện tại, theo một ước tính, người Úc ăn nhiều thịt hơn mọi quốc gia khác trên thế giới, trừ Mỹ.
Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã biết thông tin về công ty khởi nghiệp Omnipork có trụ sở tại Hong Kong. Được làm từ hạt đậu, đậu nành, nấm và gạo, Omnipork là sản phẩm thịt lợn thực vật đầu tiên "có máu" và mùi vị như thịt lợn xay. Nó cũng được bán trong các nhà hàng ở Hồng Kông và Singapore.
Nhà sáng lập công ty, David Yeung, nhận thấy định kiến đối với việc ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở châu Á là một trở ngại. Ví dụ, ở Trung Quốc, ăn thịt được coi là biểu tượng của sự giàu có.
Yeung cũng thành lập doanh nghiệp xã hội Green Monday Group cách đây 8 năm để giáo dục người dân ở Hồng Kông, Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á về lợi ích của việc giảm tiêu thụ thịt.
Tại Hàn Quốc, công ty sản xuất thực phẩm Zikooin có kế hoạch mở rộng sản phẩm thịt bò có nguồn gốc thực vật Unlimeat - được làm từ yến mạch, ngũ cốc và các loại hạt - sang thị trường Mỹ trong năm nay, sau khi mở một cửa hàng tại NYC và San Francisco.
Giám đốc điều hành của Zikooin, Min Keum-Chae, nói công ty có kế hoạch mở rộng ra toàn cầu và sẽ sớm xuất khẩu sang Thái Lan và Ấn Độ.
Công ty Greenwise của Nga có kế hoạch mở rộng các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, bao gồm thịt khô, chả và thịt nguội làm từ đậu nành, gluten lúa mì và gia vị, sang thị trường châu Âu.
Sự khác biệt toàn cầu không thể phủ nhận vẫn tồn tại trong thói quen ăn và quan điểm văn hóa đối với việc ăn thịt thực vật và thịt. Trên toàn cầu, chúng ta vẫn đang tiêu thụ nhiều thịt hơn bao giờ hết, do nhu cầu tăng cao ở các nước như Thái Lan, Brazil và Maroc.
Song các startup trên khắp thế giới đang sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, cũng như khuấy động sự quan tâm đến lợi ích của thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở những người ăn thịt.
Những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất của ngành công nghiệp thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang mở rộng sang các quốc gia nơi ngành này còn non trẻ hơn - hy vọng, xu hướng này sẽ thúc đẩy sự cải tiến và đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.