Theo nội dung trong Thông báo trên, tại hội nghị này, các địa phương đã kiến nghị Thủ tướng về việc sớm xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Về việc này, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến này về trước năm 2030. Trong đó, đoạn từ Cần Thơ – Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Riêng đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, Thủ tướng giao UBND tỉnh Cà Mau chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 về hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP), và báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2020.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc nêu trên theo hướng điều chỉnh kỳ quy hoạch trước năm 2030, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường này để sớm kết nối, thông suốt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Theo báo Giao thông, trước đó vào giữa tháng 6/2020, UBND thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và quản lí Hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn qua địa phận Cần Thơ.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 130 km, được thiết kế gồm 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn quy hoạch hơn 47.478,51 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025-2030.
Tuyến có điểm đầu kết nối với điểm cuối đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đi qua cầu Cần Thơ 2 (cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5km về bên trái), đi song song bên trái QL1, đến thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) rẽ phải đi song song với đường Quản lộ Phụng Hiệp qua các địa phận Sóc Trăng, Bạc Liêu về đến điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau tại vị trí nút giao với đường vành đai 3.
Trên tuyến dự kiến xây dựng 112 cầu, bố trí 8 nút giao tại các vị trí giao cắt, xây dựng 8 cầu vượt thông đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện cắt ngang dự án.
Theo CIPM, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu như tuyến QL1, tuyến Quản Lộ- Phụng Hiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội khu vực, tăng cường ATGT và đáp ứng yêu cầu an ninh quốc phòng khu vực.