Chùa Tề Đồng Vật Ngã (Trương Định, Hà Nội) chiều 25/8 nghi ngút khói hương. Bà Đỗ Uyển (ở phố Phạm Ngọc Thạch) đặt lên ban thờ một mâm ngũ quả, thắp nén hương, lau vội dòng nước mắt, nói với bức ảnh chú chó đã mất 6 năm của mình: "Con không phải về trông nhà nữa đâu. Ở đây chơi với các bạn nhé con”.
Chùa Tề Đồng Vật Ngã do nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh (Trương Định, Hà Nội) thành lập. Ông Sinh cho biết, ý tưởng thành lập một nghĩa trang dành riêng cho vật nuôi đã được ông ấp ủ từ khi còn bé, nhưng đến năm 2000 điều này mới dần trở thành hiện thực.
Ông Sinh chia sẻ: “Ngày còn bé, con bướm chết cũng tôi cũng chôn, con chó chết tôi cũng chôn. Bây giờ mình chỉ 'lắp' lại tuổi thơ của mình. Thứ hai, việc thành lập chùa xuất phát thực tế. Ngày xưa khi đói khổ quá, con chó chết không ai chôn, thậm chí còn bị làm thịt. Còn bây giờ, khi đất nước ngày càng càng phát triển, nhu cầu về tâm linh của con người lại càng lớn. Tề Đồng Vật Ngã được hiểu theo giáo lý nhà Phật, nghĩa là triết lý luân hồi, người và vật đều bình đẳng”.
Theo ông Sinh, tháng 7 là thời điểm nhiều người đến nhất, trung bình tháng khoảng 1.000 người.
Năm nay, buổi lễ cầu siêu diễn ra từ 16h đến 18h, đông hơn mọi năm. Đồ cúng được nhà chùa chuẩn bị gồm ngô, khoai sắn, các loại ngũ cốc... Đa phần mọi người còn chuẩn bị sẵn đồ lễ ở nhà, đó là những món ăn trước khi mất các chú chó mèo rất yêu thích.
Tại chùa, có 2 hình thức an táng cho chó mèo là địa táng và hỏa táng, trong đó địa táng dao động 6 - 10 triệu. Hỏa táng có giá rẻ hơn chỉ từ 2,5 - 4 triệu. Ảnh: Vũ vân. |
Chị Hà Anh (30 tuổi) có hai chú mèo được chôn cất ở chùa. Hôm nay đến thăm “hai người bạn”, chị không quên mang theo một ít chả, hoa và bim bim. Đây là những đồ ăn chúng từng thích. Trong không khí tĩnh mịch, thoảng mùi hương, chị bật bản nhạc “River flows in you” để linh hồn chúng cùng nghe, khiến không khí càng thêm trùng xuống.
“Trước kia vào những ngày mưa, mình ngồi cạnh cửa sổ ôm mèo vào lòng, tâm sự cho chúng nghe, cùng ngồi nghe nhạc và ngủ thiếp đi. Cho đến bây giờ, cảm giác ấy vẫn rất nguyên vẹn như mới hôm qua thôi”, chị kể.
Hiện nay, có khoảng hơn 5.000 hài cốt chó mèo được chôn cất ở đây. Những ngôi mộ ngay ngắn được xây dựng cẩn thận, có cả bia ghi “năm sinh, năm mất”, di ảnh của những cái tên Lucky, LyLy, Bột, Kem... và bát hương thờ cúng. Trong chùa có hai đài hỏa táng. Gần 10 nhân viên chuyên phục vụ các dịch vụ ma chay cho chó mèo.
Bim bim, bánh quy cũng là đồ cúng cho nhiều chú chó mèo. Ảnh: Vũ vân. |
Ông Lê Quang Huấn (56 tuổi, Xã Đàn, Đống Đa) tâm sự, con chó Bông nhà ông mới mất tháng 2 vừa qua, vốn được cả nhà rất yêu mến. Ông thường xuyên đến thăm vào mùng một và ngày rằm. "Nay mang hoa quả, bánh kẹo là những thứ nó thích nhất”.
Chị Vân (43 tuổi Thanh Xuân), rớm nước mắt kể: “Tính đến nay mình đã mất 3 'bạn' ở đây. Chú chó mới mất vào tháng 3/2018. Mình đi làm qua khu vực này và biết đến chùa, nên đưa đến chùa gửi. Hôm nay, tới đây nhìn di ảnh của chúng mình thực sự rất xúc động, bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về”.
XEM THÊM
Lễ cầu siêu thai nhi tại chùa cần chuẩn bị những gì?
Theo sư thầy Minh Đức (chùa Phúc Khánh), khi làm lễ cầu siêu thai nhi tại chùa, bố mẹ hoặc người làm lễ chỉ cần ... |
Những ngôi chùa cầu siêu nổi tiếng thường được lui tới rằm tháng 7
Ba ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Hà Nội thường xuyên tổ chức lễ cầu siêu vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm ... |
Cúng cầu siêu và đọc bài văn khấn vong thai nhi tháng cô hồn thế nào mới đúng?
Tháng cô hồn những người làm mẹ từng một lần phải bỏ con dù là vì lý do khách quan hay chủ quan đều đau ... |
Những ngôi chùa nổi tiếng về gửi vong thai nhi và cầu siêu ở Hà Nội
Có rất nhiều lý do khác nhau, bố mẹ không thờ cúng vong thai nhi tại nhà. Vì thế, những ngôi chùa nổi tiếng linh ... |