CEO người Nhật đã xoá bài đăng chê shipper ‘bẩn thỉu’ sau khi bị ném đá dữ dội

Ngoài việc xoá bài đăng có ý miệt thị các tài xế giao nhận thức ăn tại chuỗi cà phê Starbucks, CEO người Nhật này đã nhanh chóng cài đặt trang Twitter của mình về chế độ cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người đã chia sẻ với tốc độ chóng mặt bài đăng chê “bộ dạng bẩn thỉu” của shipper.

Chia sẻ trên Twitter mới đây, Ken Hisada - CEO người Nhật của một công ty công nghệ tại Việt Nam đã có một phát ngôn gây tranh cãi khi có ý miệt thị sự bẩn thỉu của các shipper tại chuỗi cà phê Starbucks.

Ken Hisada - CEO người Nhật của một công ty công nghệ tại Việt Nam phát ngôn gây tranh cãi khi có ý miệt thị sự bẩn thỉu của các shipper tại chuỗi cà phê Starbucks. (Ảnh chụp màn hình).

"Starbucks ở Hà Nội gần đây ngày càng có nhiều tài xế GrabFood với bộ dạng bẩn thỉu lui tới. Định nghĩa không gian riêng tư mà Starbucks hướng tới đang dần bị phá vỡ, phía cửa hàng có lẽ nên xem lại thế nào đi thì hơn", người này viết trên Twitter.

Đồng thời, ông cũng cho rằng sự xuất hiện của các tài xế khiến không gian thư giãn với xu hướng cao cấp đồng nhất trên toàn thế giới của "ông lớn" cà phê này dần mất đi tại Việt Nam.

Đi kèm với bài đăng có ý miệt thị, người này cũng đính kèm bức ảnh một tài xế trong đồng phục Grab đang chờ nhận nước tại một cửa hàng Starbucks.

Ngay sau đó, bài đăng cũng như phát ngôn của người này bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, không chỉ Twitter mà còn lan nhanh sang Facebook.

Vị CEO người Nhật này đã nhanh chóng xoá bài đăng và cài đặt trang cá nhân Twitter về chế độ riêng tư. Tuy nhiên, hiện nội dung bài đăng này vẫn được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.

Shipper phản đối việc bị miệt thị

Anh Hữu Minh, tài xế Grab cho biết ngoài đón khách, anh còn thường xuyên chạy dịch vụ giao nhận thức ăn - GrabFood. Anh Minh là một trong những tài xế đầu tiên gia nhập mảng giao nhận thức ăn của Grab kể từ khi hãng ra mắt dịch vụ vào năm ngoái.

Theo tài xế này, gần đây, khi hãng có nhiều khuyến mãi, mỗi ngày, anh nhận được nhiều đơn hàng của các quán ăn, trà sữa. Trong đó, có nhiều thương hiệu nổi tiếng.

"Vào giờ cao điểm như buổi trưa, khách hàng đa số là nhân viên văn phòng đặt cơm và trà sữa rất nhiều. Nhiều nơi, anh em tài xế phải rồng rắn nhau xếp hàng chờ đến lượt. Các cửa hàng này vốn rất đa dạng khách, với đủ kiểu trang phục, tại sao shipper chỉ mặc đồng phục của hãng lại bị xem là bẩn thỉu", anh Hữu Minh đặt vấn đề.

Cùng quan điểm này, tài xế Thanh Vũ - đối tác hơn một năm nay của Grab, cũng cho rằng khi nhận thức ăn tại cửa hàng, các tài xế khác đều phải trả đúng số tiền mà cửa hàng bán, tương tự khách dùng tại chỗ. Vì vậy, anh Vũ cho biết không có lí do gì các shipper giao nhận thức ăn phải chịu cảnh miệt thị từ những khách hàng khác.

"Chúng tôi cũng như khách hàng mua thức ăn hoặc nước dùng tại quán. Chúng tôi vẫn trả tiền cho cửa hàng chứ không hề xin họ mà bị nói rằng làm giảm độ sang chảnh của các cửa hàng này", anh Vũ bức xúc.

Không chỉ tài xế Grab là đối tượng được nhắc đến trong chia sẻ của CEO người Nhật, nhiều tài xế của các ứng dụng khác như Go-Viet, Now… cũng cho rằng họ là khách của cửa hàng, vì vậy, không có lí do gì phải chịu sự phân biệt đối xử, nhất là khi các quán ăn, cửa hàng đều là không gian công cộng.

Liên quan bài đăng của CEO người Nhật của một công ty công nghệ tại Việt Nam về đối tác của mình, chia sẻ với phóng viên, đại diện Grab cho biết không bình luận về phát ngôn này. Theo Grab, đây chỉ là ý kiến cá nhân của một người, vì vậy, doanh nghiệp từ chối bình luận thêm.

Tuy nhiên, Grab cho rằng về lâu dài, hãng sẽ phối hợp với cửa hàng để có phương pháp thích hợp bảo vệ quyền lợi cho tài xế giao nhận thức ăn.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.