Tóm lại, điều quan trọng nhất mà một người lãnh đạo cần có là biết cách chăm sóc, động viên, truyền cảm hứng cho nhân viên. Dưới đây là 5 câu chuyện của ông Quỳnh.
1. Tại một tập đoàn hàng đầu của Việt Nam hiện nay, mà xuất phát điểm là nhóm khoảng 10 người "tả tơi" ban đầu, một ngày đẹp trời vị thuyền trưởng nhận ra, tình anh em gắn bó trong công ty bây giờ lợt lạt, nhợt nhạt khác xa ngày xưa cho dù điều kiện làm việc, thu nhập là hoàn hảo. Theo ông, nguyên nhân chính do quân số của từng phòng ban, chi nhánh quá đông nên nhiều khi làm việc chung cũng không biết mặt nhau.
Ông quyết định:Trong công ty có hơn 10.000 nhân viên này sẽ không có đơn vị nào được vượt quá 50 người. Và các hoạt động "sinh hoạt tập thể" (sinh nhật, họp mặt, tổng kết...) có sự tham gia của nhân viên cùng cả gia đình phải được tổ chức thường xuyên. Và trách nhiệm tổ chức các hoạt động này thuộc về người đứng đầu chứ không phải Công Đoàn.
2. Năm 2009, trên chuyến bay từ Bắc Kinh về Sài Gòn sau lễ trao giải thưởng Top 500 nhà bán lẻ Châu Á - Thái Bình Dương, tôi ngồi cạnh vị CEO trẻ của một công ty bán lẻ mà hệ thống cửa hàng còn khá ít, chủ yếu tại các đô thị lớn. Anh lạc quan cho biết, trong vài năm tới, công ty anh sẽ tăng trưởng đột biến về mạng lưới cửa hàng.
Tôi hỏi anh câu hỏi muôn thuở của người làm bán lẻ: Làm sao anh tuyển dụng được đủ số cửa hàng trưởng? Anh trả lời là công ty sẽ tuyển đủ vì yêu cầu về cửa hàng trưởng khá đơn giản. Đó là, trên 18 tuổi, tốt nghiệp trung học, biết cách chăm sóc động viên nhân viên, biết phục vụ khách hàng và tuân thủ quy định của công ty. Những công việc khác như báo cáo, quản lý tồn kho, giá cả, đặt hàng... sẽ được ERP giải quyết.
Tôi ngạc nhiên khi anh nói về tố chất cần thiết nhất của cửa hàng trưởng là chăm sóc, động viên nhân viên; trong khi với nhiều công ty khác phải là: Giỏi nghiệp vụ!
Và sau đó, tôi được biết thu nhập của những cửa hàng trưởng tại công ty này không hề thấp, có người nhận trên 1 tỷ đồng/năm. Với vai trò CEO, lúc đó, anh còn ước mơ sẽ tổ chức lễ tổng kết cuối năm của công ty ở địa điểm có bãi đậu xe hơi lớn vì anh muốn tất cả cán bộ quản lý của anh đều phải đi xe hơi.
5 năm sau chuyến bay đó, công ty của anh đã có cửa hàng trên tất cả các tỉnh thành và nhiều cán bộ quản lý đã là triệu phú đô la.
3. Tại SFC trước đây, công ty trả tiền để tổ chức sinh nhật cho nhân viên ở mức 1 triệu đồng/người bên cạnh tiền quà bình thường. Số tiền 1 triệu này được giao cho Trưởng đơn vị và họ phải đứng ra tổ chức sinh nhật cho nhân viên.
Tiền chỉ được quyết toán khi bữa tiệc sinh nhật đó được chụp hình và post lên facebook nội bộ của công ty. Triết lý của việc này là công ty muốn tạo điều kiện để trưởng đơn vị chăm sóc nhân viên của mình cũng như tăng cường sự đoàn kết trong bộ phận.
4. Có lần, tôi chứng kiến 2 sự việc. Đầu tiên là buổi trưa, tôi ngồi cafe với vị tân Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có 14.000 nhân viên. Chúng tôi có một vài quan điểm khác nhau trong triết lý quản trị nhưng cả 2 đều thống nhất cao 1 nguyên tắc: Nhiệm vụ quan trọng nhất của người quản lý là chăm sóc và động viên nhân viên.
Buổi tối, tôi nhận được tin nhắn trong một group. Ở đó, một thành viên than phiền là không nhận được sự động viên, tôn trọng của trưởng nhóm nên bạn cảm thấy nản lòng. Qua đó, chân lý sau càng được khẳng định: Nhân viên không rời bỏ công ty – Họ từ bỏ những người lãnh đạo!
5. Harvard Business Review (HBR) đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến từ 332.860 nhà lãnh đạo cũng như nhân viên và cộng sự của họ về kỹ năng có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của một người dẫn đầu. Kỹ năng quan trọng nhất, chiếm 38%, chính là Truyền cảm hứng và động viên nhân viên!
Tóm lại cho câu chuyện dài dòng này là: Trách nhiệm lớn nhất, quan trọng nhất của người quản lý chính là: TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ ĐỘNG VIÊN, CHĂM SÓC NHÂN VIÊN! Với tôi, bạn không thể là nhà quản lý giỏi nếu như bạn không làm tốt điều này!
Nhân viên không từ bỏ công việc, họ chỉ bỏ sếp mà thôi!!!
Chủ tịch FPT Software: Sếp hãy bỏ phòng riêng đi và ra ngồi cùng nhân viên, công ty sẽ tăng trưởng gấp 5 lần
Theo Nguyễn Tuấn Quỳnh
Trí Thức Trẻ