Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi đề xuất tăng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng, đồng thời tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng.
Chị Bình (34 tuổi) làm ở một bệnh viện ở quận Bình Thạnh, cho biết để nuôi hai con trai đang học cấp 1 tại một trường tiểu học công lập, vợ chồng chị phải bỏ ra khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng cho khoản ăn và học phí, chưa kể đến chi phí đi học thêm cho các con.
"Để đảm bảo con ăn uống đủ chất dinh dưỡng, với trẻ đã đi học, trung bình mỗi ngày cần chi 40.000 đồng tiền sữa và 100.000 tiền thức ăn. Tính sơ mỗi tháng cũng phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng. Chưa kể đến những gia đình nuôi con nhỏ, dùng sữa hộp thì chi phí sẽ cao hơn", chị Bình cho biết.
Nói về mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc đang được áp dụng theo Luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2013 đến nay, chị Bình nhận định khó có thể nuôi một đứa trẻ ở thành phố ở mức đầy đủ với số tiền ấy, trừ khi gia đình phải ăn uống thật tiết kiệm.
"Con còn nhỏ thì tốn tiền sữa, tiền khám bác sĩ mỗi khi con ốm vặt, lớn rồi thì thêm tiền học. Vẫn sẽ tốn ngần ấy tiền chứ không hề giảm đi", chị nói.
Có một con gái nhỏ 15 tháng tuổi, vợ chồng anh Hoàng, 30 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP HCM cho biết tiền sữa cho con gái anh mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Thời điểm mới sinh, gia đình còn phải chi trả các khoản như bỉm, quần áo, đồ sơ sinh và tiêm chủng...
"Chi phí nuôi con nhỏ mỗi tháng ít nhất cũng khoảng 5 triệu đồng, nếu con khỏe cũng sẽ tiết kiệm được tiền khám bệnh nhiều hơn", anh Hoàng kể lại.
Không chỉ cần chi phí ăn uống và đi học căn bản, trẻ em ở các thành phố lớn cũng thường xuyên học thêm tiếng Anh hay các bộ môn phát triển năng khiếu và thể chất.
Mỗi năm, chị Bình chi thêm 40 triệu đồng cho cậu con trai út học thêm tiếng Anh. "May mắn là con tôi đi học ở trường công lập. Với những gia đình phải gửi con học ở trường tư, cấp mẫu giáo ít nhất cũng 2 - 3 triệu đồng/tháng", chị chia sẻ.
Không có hộ khẩu tại TP HCM nên không thể xin cho con học ở trường công lập, anh Thắng (27 tuổi), nhân viên IT, cho biết anh phải gửi con học ở trường tư với mức học phí 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tiền sữa và ăn uống cho con là khoảng 1,5 triệu đồng. Trên thực tế, mỗi tháng, gia đình anh bỏ ra 8,5 triệu đồng để nuôi con.
Với mức thu nhập hiện tại, anh bị trừ 4,3 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân mỗi tháng, trong khi gia đình anh vẫn phải trả nợ 20 triệu đồng tiền mua nhà và 10 triệu cho chi phí sinh hoạt.
"Học phí ở các t
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đã được tăng từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc đã được giữ nguyên từ năm 2013 đến nay. Trong khi mức chi tiêu của người Việt đã thay đổi rất nhiều. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Việt Nam trong suốt 6 năm qua tăng liên tục hàng năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%.
Trước vấn đề này, cuối tháng 8 vừa qua, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết theo các số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt trên 20% và theo luật thì phải sửa đổi.
Hiện tại, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kì tính thuế năm 2020.
Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp.
Theo Bộ Tài chính, việc này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng. Điều này cũng tạo hiệu ứng kinh tế tích cực với xã hội. Nguyên nhân do việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.