Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố, ở lĩnh vực kinh tế đóng góp hơn 20 gương mặt phụ nữ quyền lực. Trong số đó, bốn người đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng, là bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HDBank - CEO Vietjet; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG - Phó Chủ tịch SeABank; bà Thái Hương, nhà sáng lập TH, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc BacABank.
Bà Nguyễn Thị Hồng (sinh nm8 1968) là thành viên nữ duy nhất trong ban lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước và là Phó Thống đốc thứ 6, sau các ông Nguyễn Đồng Tiến, Nguyễn Toàn Thắng, Lê Minh Hưng, Đào Minh Tú và Nguyễn Phước Thanh. Bà Hồng được bổ nhiệm chức danh Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tháng 8/2014.
Trước khi trở thành Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng từng kinh qua nhiều chức vụ như: Trưởng Phòng Cán cân thanh toán quốc tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài vai trò là người phát ngôn của NHNN, hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng trung ương; dự báo thống kê, cán cân thanh toán quốc tế. (Ảnh: Dân trí).
"Trong vài năm qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang nổi lên trở thành một những nữ doanh nhân năng động nhất Việt Nam", Forbes Việt Nam đánh giá.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, Tiến sĩ kinh tế học viện Mendeleev, hiện là Chủ tịch HĐQT của Sovico, cổ đông lớn của hãng hàng không Vietjet Air (VJC) và ngân hàng HDBank.
Bà Nguyễn Thị PhươngThảo từng là thành viên Ban giám đốc của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi gia nhập Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank). (Ảnh: Zing).
Trong lĩnh vực ngân hàng, bà Nguyễn Thị PhươngThảo góp vai trò đưa ngân hàng HDBank lên niêm yết vào năm 2008. Cuối năm 2018, HDBank có tổng tài sản đạt 216.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.842 tỉ đồng; vốn hóa đạt 1,3 tỉ USD. Trong hệ thống ngân hàng tư nhân, HDBank được đánh giá cao về các chỉ số hoạt động.
Tháng 12/2011, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mở hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam mang tên Vietjet. 5 năm sau khi ra đời, Vietjet đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM, chiếm hơn 40% thị phần hàng không trong nước và đạt doanh thu 1,2 tỉ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nữ tỉ phú nữ duy nhất của Việt Nam 3 năm liền có tên trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới, và là một trong 15 nữ tỉ phú tự thân do tạp chí Forbes vinh danh năm 2017.
Hiện, CEO Vietjet đứng thứ 1.008 trong bảng xếp hạng người giàu nhất hành tinh năm 2019, với khối tài sản ròng 2,3 tỉ USD, và là tỉ phú thứ hai trong danh sách 5 tỉ phú thế giới người Việt vừa được Forbes bình chọn.
Theo Bloomberg, bà Thao từng kiếm được 1 triệu đôla từ năm 21 tuổi. Và cũng là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 50 nhà lãnh đạo toàn cầu (The Bloomberg 50).
Năm 2018, bà có mặt trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Forbes bình chọn.
Được đánh giá thuộc lớp doanh nhân kì cựu và bề dày kinh doanh ở khu vực phía Bắc trong vai trò là Chủ tịch Tập đoàn BRG (tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ở Việt Nam), bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955) còn được biết đến với vai trò Phó Chủ tịch SeABank.
Ngoài vị trí Phó chủ tịch thường trực Seabank, bà Nguyễn Thị Nga còn là Chủ tịch Hapro - doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng nhất Hà Nội. (Ảnh: Zing).
Bà Nga chính là người Việt Nam đầu tiền được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Bà cũng là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2000, bà trở thành cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và hai năm sau được bầu giữ̃ chức vụ phó chủ tịch ngân hàng này. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành Chủ tịch trong khoảng thời gian trống giữa hai nhiệm kì.
Khi Đại hội cổ đông của Techcombank họp vào tháng 8/2006 bầu Hội đồng quản trị mới, bà Nga quay trở lại giữ chức vụ cũ. Đến năm 2007, bà rời Techcombank, trở thành lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).
Bà Nga ngồi ghế Chủ tịch SeaBank 10 năm, từ năm 2008, trước khi từ nhiệm theo quy định để làm người điều hành cao nhất tại tập đoàn BRG. Đầu năm 2018, bà Nga giữ chức Phó chủ tịch thường trực của nhà băng này.
Không chỉ là "nữ tướng" quyền lực trong ngành ngân hàng, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga còn sở hữu nhiều khách sạn và bất động sản. Khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn và khách sạn Sông Nhuệ... đều nằm trong danh sách những công ty thành viên của BRG do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch.
Doanh nhân kì cựu này cũng từng được Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.
Bà Thái Hương - Người phụ nữ quyền lực của giới tài chính Việt Nam
Bà Thái Hương (sinh năm 1958) được xem là người phụ nữ quyền lực của giới tài chính Việt Nam, khi vừa giữ vai trò là CEO của Ngân hàng Bắc Á (BACABANK), vừa là lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn TH.
Forbes Việt Nam ghi nhận, bà Thái Hương vẫn ghi đậm dấu ấn tại TH với vai trò "nhà sáng lập" dù không còn là Chủ tịch tập đoàn này. (Ảnh: nhadautu).
Năm 1994, bà Hương cùng một số cộng sự thành lập ngân hàng TMCP Bắc Á với vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Năm 2018, ngân hàng này có qui mô tổng tài sản 97.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 679 tỉ đồng.
Gắn bó với cái tên TH trong vai trò nhà sáng lập, song bà Thái Hương đã lựa chọn lãnh đạo ngân hàng Bắc Á khi Luật tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực. Hiện, bà Thái Hương là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, sở hữu 21.517.470 cổ phần tương đương 4,77% vốn điều lệ Ngân hàng này.
Liên tiếp 2 năm 2015 và 2016, doanh nhân Thái Hương có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.