Đánh cược mạng sống với ‘bác sĩ Google’ |
Hoại tử chân vì chữa bệnh qua mạng Bà Nguyễn Thị M. trú tại Thái Bình bị viêm đa khớp dạng thấp được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị nhưng bệnh mãi không khỏi nên bà bỏ thuốc bác sĩ kê mà quay ra điều trị bằng thuốc của thầy lang. Bà M. kể đau đầu gối đến mức đi lại cũng khó, bà được người quen giới thiệu lấy thuốc của một ông lang ở Bắc Giang. Lọ thuốc chỉ có 600 nghìn đồng mua về uống hết 1 lọ bà đã thấy đỡ nên đặt mua thêm vài lọ về uống.
Hình ảnh chân hoại tử vì tự uống thuốc. |
Kết quả, 4 tháng sau, chân bà sưng to hơn, mặt đỏ lên như tích nước. Bà M. không biết là bị bệnh gì nên lo lắng đi khám. Tại bệnh viện, bà được bác sĩ chẩn đoán hội chứng Cushing do lạm dụng thuốc khớp. Đây không phải là trường hợp hiếm vì lạm dụng thuốc trị bệnh khớp dẫn đến hội chứng cushing. Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh TP.HCM các bác sĩ đã cấp cứu cho một trường hợp chân bị hoại tử vì sử dụng thuốc trị viêm khớp “đặc biệt”. Bệnh nhân là bà Vũ Thị H. 42 tuổi, trú tại Long An. Bệnh nhân bị hoại tử chân trái sau viêm mô tế bào trên nền hội chứng Cushing do thuốc viêm khớp dạng thấp. Theo bệnh nhân, sau khi đi khám chuyên khoa Nhiễm với chẩn đoán viêm mô tế bào/ viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân về nhà tìm hiểu trên báo mạng và tự ý thay đổi liều corticoid và kháng sinh bác sĩ đã kê, kết hợp đắp thêm nhiều loại lá quý hái trên rừng. Kết quả là chân bị hoại tử nặng, bốc mùi hôi thối. Trường hợp của chị Hoàng Thu H. 40 tuổi, trú tại Hưng Hà, Thái Bình cũng tương tự. Chị Hằng bị viêm đa khớp nên được bác sĩ kê đơn thuốc Medrol. Sau khi dùng thuốc này, chị thấy triệu chứng viêm đỡ hẳn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn chị Hằng đã chịu tác dụng phụ của thuốc quá nhiều. Gương mặt vốn là phụ nữ có gương mặt trái xoan biến đổi thành gương mặt béo phì, tròn xoay. Chị đi khám, bác sĩ cho biết chị bị hội chứng cushing. Đây là hội chứng thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc có chứa corticoid. Những tai biến chính do lạm dụng corticoid được các bác sĩ tổng hợp lại như tăng cân do giữ natri, đào thải kali gây béo bệu, mặt tròn, làm cao huyết áp, tăng đông máu có thể gây nghẽn mạch, chậm liền sẹo các vết thương và dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát. Nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc này còn làm thoái biến protid nên dễ gây teo cơ, làm xương xốp do giảm hấp thu calci nên khi té ngã dễ bị gãy xương, loét dạ dày - tá tràng, dễ gây xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay, cách sử dụng corticoid rất đa dạng: từ uống, tiêm bắp, tiêm gân đến tiêm vào trong khớp, vùng ngoại vi của khớp (khớp gối, khớp háng, khớp vai), hoặc tiêm vào các mô mềm, bao gân... Bệnh nhân tự chữa cho mình Bác sĩ Dương Minh Tuấn- từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM cho biết, thời đại công nghệ thông tin rồi mạng xã hội phát triển, cộng thêm việc ngại đi khám bệnh khiến nhiều người thấy cơ thể không khoẻ hoặc có người thân được chẩn đoán bệnh gì là lên google để tra cứu. Với một nguồn dữ liệu khổng lồ trên đó cộng thêm thiếu hiểu biết về chuyên môn dẫn tới việc tìm kiếm ra những thông tin về sức khoẻ không chính xác nhưng họ vẫn đặt niềm tin một cách khó hiểu vào đó và tin dùng hơn cả bác sĩ khuyên, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ Tuấn cho biết, anh từng điều trị cho một bệnh nhân cũng là người có học thức, thông thạo công nghệ. Được nhận bất cứ thuốc nào chú cũng ghi lại rồi tra cứu, thấy có nhiều tác dụng phụ là chú nhất quyết không dùng, đòi đổi thuốc. “Sáng nào mình qua khám chú cũng mở đầu câu hỏi bằng: "Tôi đọc trên mạng thấy...", và mặc sức mình giải thích cho chú hiểu thì với chú google giống như là một dạng kinh thánh mới mà chú cần tôn thờ vậy”. Vì không tuân thủ điều trị mà nhiều bệnh nhân điều trị mãi không thuyên giảm, bác sĩ cũng mệt mỏi khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Có những bệnh nhân bác sĩ vừa nói bệnh gì họ đã lên mạng google và lại nói trên mạng bảo và những lúc đó các bác sĩ cứ mải chạy theo bác sĩ google.