Cặp đôi đồng tính công khai tình yêu nơi công cộng: 'Hai người con gái yêu nhau thì có làm sao?' |
Cách đây hơn 5 năm, có lẽ chưa bao giờ Trần Minh Trí sẽ tưởng tượng đến một ngày, ba mẹ mình trở thành hội viên của PFLAG Việt Nam (nơi những người cha, người mẹ, người thân ủng hộ cộng đồng LGBT). Với chàng trai đến từ vùng sông nước Cần Thơ, nhận được sự công nhận của ba mẹ đã là một sự may mắn và được ba mẹ đồng hành cùng mình trong phong trào quyền LGBT hẳn là một giấc mơ vô cùng tuyệt vời.
Trần Minh Trí. (Ảnh: NVCC). |
Thế nhưng, để nhận được sự đồng hành của ba mẹ, Trí cũng đã phải mất 4 năm kiên trì thuyết phục sự đồng ý của ba mẹ. Đó là một chặng đường chẳng hề đơn giản và dễ dàng.
Ngay từ khi bước vào cấp 2, Trí đã nhận ra mình có sự rung động với các bạn trai. Những năm tháng phải giấu mình với ba mẹ khiến Trí luôn trăn trở, băn khoăn. Không ít đêm, chàng trai 9x tự đặt ra hàng trăm câu hỏi để rồi mệt mỏi với những câu trả lời đầy hoang mang: “Công khai với ba mẹ như thế nào để được công nhận? Sau công khai, phản ứng của ba mẹ ra sao? Ba mẹ có phản đối, đánh đập mình không?”…
Đến thời điểm quá bức bối vì phải nói dối, Trí quyết định nhờ một người bạn trai nói chuyện với ba mẹ. “Mình nhớ ngày hôm đó là buổi tối, mình phải nhờ người bạn nói với ba mẹ rằng: “Con là người đồng tính”. Thật sự, mình và bạn mình không đủ lập luận để thuyết phục ba mẹ vào lúc đó, chỉ biết chấp nhận và làm theo những gì mọi người khuyên.” – Trí kể.
Minh Trí và mẹ. (Ảnh: NVCC) |
Lúc đó, mình còn quá nhỏ để nghĩ tới những hệ quả sâu xa mà việc công khai gây ra. Ngày ấy, đơn giản, mình chỉ nghĩ sẽ bị ba mẹ la mắng, đánh đập, giận vài ngày.
Nhưng hậu quả việc mình công khai với ba mẹ đã không như suy nghĩ. Đêm đó, ba mẹ rất giận và yêu cầu mình về nhà ngay lập tức. Ba mẹ bắt mình không được giao lưu với người bạn trai hiện tại. Tiếp theo đó là những chuỗi ngày mà mình phải chịu đựng từ việc ba mẹ bắt phải như người “bình thường”, bị cả gia đình bàn tán.
Cậu mình bên Úc hay tin đã gọi điện kêu ba mẹ dẫn lên Sài Gòn khám xem có bị bệnh không, có bị khuyết tật di truyền không mà “bị” đồng tính như vậy”.
Với Trí, sự ám ảnh vẫn còn mãi đến bây giờ khi mẹ vừa khóc vừa nói: “Con thử quan hệ với con gái thử xem, coi có cảm giác gì không?”. Xót xa với câu nói của mẹ về mình bao nhiêu, Trí càng thương mẹ bấy nhiêu.
“Mẹ sinh ra được mỗi một con trai là mình nên mẹ luôn đau đáu hi vọng mình lấy vợ sinh con. Còn ba đã khóc suốt 3 ngày liền, không còn đủ sức và hoài bão để làm việc. Ba đã có ý định từ bỏ mình, không nhận mình là con vì cảm thấy mất mặt với gia đình, họ hàng.”
Không chỉ đối mặt với áp lực từ gia đình, Trí còn phải trải qua khoảng thời gian khủng hoảng tại trường. Bị làm nhục giữa sân trường, bị thầy giáo lấy điện thoại đọc tin nhắn cá nhân và công khai cho cả lớp... tất cả đã đẩy Trí vào sự hoang mang và sợ hãi. “Quá nhiều áp lực khiến mình lưu ban năm đó”.
Xác định để được ba mẹ đồng ý chắc chắn là một con đường dài và đầy chông gai. Trí chỉ biết lựa chọn phương pháp “mưa dầm thấm lâu”.
“Khi áp dụng đủ mọi cách giải thích cho ba mẹ mà không hiệu quả, mình gần như rơi vào cảm xúc bất lực hoàn toàn. Đến một lần, mình biết được có những ông bố, bà mẹ có con là LGBT. Họ cũng trải qua nhiều năm trong nước mắt rồi mới chấp nhận con.
Nếu ba mẹ mà nghe được câu chuyện của họ sẽ dễ đồng cảm hơn. Vậy là mình bắt đầu tải những video chia sẻ của mẹ Ly, mẹ Thủy… (những người mẹ có con là LGBT) cho ba mẹ xem. Ngoài ra, mình còn tải các video của ICS về kiến thức giới và tính dục. Ban đầu ba mẹ không chịu xem nhưng sau thuyết phục dần, ba mẹ đã đồng ý.
Thế nhưng, lúc đầu ba chỉ dừng ở mức tôn trọng và không biểu hiện phản đối. Sau đó, mẹ có chia sẻ lại rằng ba đã không thích những người bạn của mình nhưng vì thương con nên ba không nói.”
Gia đình Minh Trí. (Ảnh: NVCC). |
Những phản ứng tích cực từ phía ba mẹ khiến Trí quyết tâm cố gắng và nỗ lực hơn nữa để nhận được sự công nhận hoàn toàn.
Một bước ngoặt đã xảy ra ở tuổi 18 khiến Trí mãi không bao giờ quên. “Đó là năm lớp 12, khi đang học ở trường THPT Nguyễn Việt Hồng, vào giờ ngoại khoá về đa dạng giới và tính dục, mình đã đứng trước tập thể và công khai là người đồng tính.
Trước đó một buổi, mình có điện thoại nói chuyện với ba và trình bày những gì sẽ dự định làm. Ba có nói rằng: "Con hãy dùng lời nói của con để giúp các giáo viên, học sinh và phụ huynh khác hiểu về cộng đồng của mình. Ba luôn ủng hộ con." Giây phút đó làm mình không kiềm chế được cảm xúc, và mình biết được là ba đã hiểu ra từ giây phút đó.”
Hạnh phúc khi có cha mẹ đồng hành trong phong trào quyền LGBT
Năm 2015, khi nhóm Cầu Vồng Cần Thơ tổ chức chương trình dành cho người LGBT, Trí đã quyết định mời ba mẹ đến tham gia. Thời điểm đó chỉ có ba Trí đến dự còn mẹ vẫn còn cảm thấy băn khoăn và lo ngại bị hàng xóm xì xào.
“Hôm ba về nhà. Ba đã nói với mẹ rằng: “Những đứa con trong cộng đồng đã chịu rất nhiều định kiến của xã hội. Chúng phải chịu áp lực từ gia đình. Và cha nói với mình “cha rất thương các con trong cộng đồng.” Kể từ đó, ba thường xuyên tham gia các hoạt động LGBT.”
Ba mẹ Minh Trí trong một buổi tập huấn dành cho chi hội PFLAG Cần Thơ. (Ảnh: NVCC). |
Đối với mình tới tận bây giờ, điều đặc biệt nhất chính là ba mẹ đã thật sự hiểu mình, đã cùng mình bước đi trên con đường vận động quyền LGBT. Ba mẹ đã đứng lên bảo vệ mình trước nhưng thái độ kì thị của mọi người. Và ba luôn tự hào mỗi khi nhắc tới mình.”