Chi 58,7 tỉ USD cho đường sắt tốc độ cao chỉ để chở khách: Rủi ro, quá lãng phí?

Bộ KH&ĐT dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng việc chi 58,7 tỉ USD cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ để chở khách sẽ có nhiều rủi ro, lãng phí.

tautocdocao

(Ảnh minh họa: Zing.vn).

Ba kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam

Liên quan đến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ KH&ĐT mới có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên nghiên cứu phân tích lựa chọn 3 kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam.

Thứ nhất là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại có tốc độ khai thác (80-90)km/h tàu khách và (50-60)km/h tàu hàng.

Thứ hai là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/h.

Thứ ba là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại tốc độ 70km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320km/h, tốc độ thiết kế 350km/h.

Với các phương án nêu trên, Bộ GTVT đã kiến nghị lựa chọn kịch bản 3 với tổng mức đầu tư 1.344.459 tỉ đồng (khoảng 58,7 tỉ USD), vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20%.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án 3 có thời gian thực hiện chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2020-2032, thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM; Từ năm 2032-2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang.

Về vấn đề phát triển đường săt trên trục Bắc - Nam, Bộ KH&ĐT cho biết hiện năng lực vận tải đang có sự mất cân đối; cụ thể, thị phần vận tải của đường sắt chỉ chiếm 6% khách và 1,4% hàng.

Theo Bộ này, sự mất cân đối về hệ thống giao thông vận tải và đường bộ chiếm ưu thế làm phát sinh nhiều hệ lụy như ùn tắc, tai nạn... Do đó, việc đầu tư đường sắt mới, tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là cần thiết.

Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thực hiện đầu tư tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam cần đạt các tiêu chí như đáp ứng cơ bản như cầu vận tải hàng hóa, hành khách; có khổ đường tiêu chuẩn để vận tải cả hàng hóa và hành khách; có tốc độ thiết kế hợp lí...

duongsat_new

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tốc độ tàu 200k/h là phù hợp?

Đối với kiến nghị lựa chọn kịch bản thứ 3 của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT dẫn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy dự án tuyến đường sắt tốc độ cao này chỉ khai thác cho tàu khách, không khai thác cho tàu hàng.

Mặt khác, Bộ KH&ĐT đưa thông tin Hà Lan nghiên cứu nâng cấp tuyến đường sắt từ Dusseldorf (biên giới nước Đức) đến Amsterdam đang khai thác với tốc độ 200 km/h thành 300 km/h bằng tốc độ đoạn Dusseldorf đến Frankfurt.

"Kết quả, khi nâng tốc độ chạy tàu từ 200 km/h thành 300 km/h, chi phí đầu tư và vận hành tăng từ 1,8 tỷ EUR lên 3,4 tỷ EUR (tăng 1,9 lần), không hiệu quả nên Chính phủ Hà Lan không thực hiện đầu tư nâng cấp", Bộ KH&ĐT cho hay.

Bộ này cũng dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng kịch bản đầu tư tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h với tổng mức đầu tư 58,71 tỉ USD sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển.

Cụ thể là có nguy cơ phải đình hoãn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khác để tạo mọi nguồn lực cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong thời gian 30 năm hoặc lâu hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm triển khai đường sắt tốc độ cao; dự báo trong giai đoạn 1 của kịch bản 3 cho thấy hành khách chỉ chiếm 16% năng lực của tuyến dẫn đến quá dư thừa, lãng phí; đường sắt chỉ chở khách mà không chở hàng, không làm giảm chi phí vận tải.

"Như vậy, yếu tố tốc độ là vấn đề then chốt của đường sắt tốc độ cao và có thể thấy rằng đường sắt tốc độ cao hiệu quả khi tốc độ khai thác tối đa là 200km/h như các nước đã làm.

Theo số liệu đánh giá của Hà Lan và Đức thì tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam là 200 km/h là hiệu quả, tổng mức đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ khoảng 26 tỉ USD (giảm trên 30 tỉ USD so với TMĐTBộ GTVT trình)", Bộ KH&ĐT cho biết.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT dẫn ý kiến các chuyên gia cho biết, với tốc độ khai thác 200 km/h, thời gian Hà Nội đi TP HCM mất khoảng 8 giờ là khá hợp lí; ngoài ra, phương án này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng như thuê tư vấn nước ngoài để đảm bảo độc lập.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP TP HCM).

Dự án đi qua địa bàn 20 tỉnh/TP với chiều dài toàn tuyến khoảng 1559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa; bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Ngoài ra, tư vấn đề xuất xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).

Về công nghệ, tàu tốc độ cao Bắc - Nam dùng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến, phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.

Trong đó, nhu cầu sử dụng đất cho dự án khoảng 9.834 ha. Nhu cầu về điện năng dự kiến đến 2030 là 0,165 tỉ KWh; năm 2050 là 2,3 tỉ KWh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,71 tỉ USD (suất đầu tư 38 triệu USD/km).

"Tư vấn đã nghiên cứu và đề xuất phương án phân kì đầu tư theo chiều ngang. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh (dài 295km với tổng mức đầu tư khoảng 12,022 tỉ USD) và TP HCM - Nha Trang (dài 370km với tổng mức đầu tư khoảng 12,691 tỉ USD).

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (dài 894km với TMĐT khoảng 33,998 tỉ USD) để nối thông toàn tuyến. Hình thức đầu tư là PPP", Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Nghiên cứu cũng dự tính với giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.