Theo đó, Chiến lược đưa ra định hướng chung nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của Quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên; HTX tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Mục tiêu
Về mục tiêu tổng quát, Chiến lược đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX;
Không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác với hai triệu thành viên, 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 hợp tác xã thành viên; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60 - 70% trên tổng số HTX cả nước.
Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản;
Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.