Chủ động phòng dịch cúm gia cầm xâm nhập từ biên giới

Các tỉnh, thành cần tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Trước tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, với số ca mắc tăng cao đột biến và tỷ lệ tử vong khoảng 40%, trong đó các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta, chiều 17/2, Bộ Y tế có công văn gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

chu dong phong dich cum gia cam xam nhap tu bien gioi

Cần kiểm soát tốt việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc đề phòng dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Bộ Y tế, các trường hợp mắc cúm A (H7N9) tại Trung Quốc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ hoặc liên quan đến việc môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tháng 1 vừa qua đã xảy ra một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) có chung đường biên giới với Việt Nam. Vì vậy, khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta rất cao.

Để chủ động ngăn ngừa, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.

Đối với Sở Y tế, tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp tuyên truyền cho khách nhập cảnh, đi hoặc đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống.

Các Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường.

Người dân chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Các tỉnh, thành phố cần khuyến cáo người dân đi hoặc đến vùng dịch bệnh cúm gia cầm cần chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng loại cúm A (H7N9) từ người sang người./.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.