Chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng báo lỗ hàng trăm tỉ đồng

Trong BCTC quí 4/2019 được công bố, kết quả kinh doanh của BDP, chủ sở hữu, vận hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort không mấy sáng sủa.
Chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng báo lỗ hàng trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (UpCom: BDP) là chủ một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất tại TP Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort.

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (mã CK: BDP) với vốn điều lệ 250 tỉ đồng là chủ sở hữu, vận hành khách sạn có quy mô rất lớn tại Đà Nẵng - Sheraton Grand Danang Resort.

Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort chính thức khai trương vào ngày 25/2/2018. Trong BCTC quí 4/2019 được công bố, kết quả kinh doanh của BDP không mấy sáng sủa.

Cụ thể, doanh thu thuần quí 4/2019 công ty này đạt gần 90 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lãi gộp chỉ đạt 20,6 tỉ đồng. Cùng với đó là các khoản tăng về chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, kết quả BDP báo lỗ 30,8 tỉ đồng trong quí 4/2019.

Tính chung cả năm 2019, doanh thu công ty đạt 382 tỉ đồng, tăng 48% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn lỗ 143,5 tỉ đồng. Trước đó, năm 2018 công ty này cũng báo lỗ 178,4 tỉ đồng.

Theo báo cáo thường niên, năm 2018, do khách sạn mới đi vào hoạt động nên doanh thu chưa đủ bù đắp các chi phí phát sinh.

Trong đó bao gồm chi phí lãi vay 68 tỉ đồng do Công ty đã ngừng vốn hoá trong năm và khoản bù đắp chi phí cho các bên góp vốn đầu tư số tiền là 41 tỉ đồng dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2018 là 178,47 tỉ đồng.

Tính đến 31/12/2019, tổng cộng tài sản của BDP đạt 3.158 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ.

Còn nợ phải trả của BDP ở mức cao với 3.238 tỉ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Số tồn kho cũng tăng lên 669 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 438 tỉ đồng hồi đầu năm.

Tổng lỗ lũy kế của công ty tại thời điểm cuối năm 2019 là âm 334 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 80,5 tỉ đồng.

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương đặt ra chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận ròng và lợi nhuận trước thuế khách sạn tăng trưởng ổn định, ở mức tăng trưởng hàng năm là từ 10% trở lên.

Tuy nhiên, dịch Covid 19 đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và có tác động lớn tới Việt Nam tác động rất lớn ngành du lịch, nhiều khách sạn lâm vào trình trạng khó khăn.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu của Việt Nam cũng là 3 nơi có dịch Covid - 19 với diễn biến phức tạp. Ba thị trường này chiếm 80% lượng khách quốc tế năm 2019.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, dịch Covid-19 khiến tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy thuộc vào vị trí ở các thành phố lớn hay các địa danh nghỉ dưỡng.

Với bối cảnh này, những doanh nghiệp như BDP cũng chịu tác động không nhỏ, đe doạ tới kỳ vọng tăng trưởng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.