Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Nhà công nghệ là những 'người hùng thời đại'

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, trong thời Covid-19, doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi để sống sót. Chưa bao giờ thay đổi lại diễn ra chóng mặt như vậy. Do đó, hoặc doanh nghiệp bị công nghệ cuốn đi, hoặc doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ.

Ngày 19/11, Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2020 (FPT Techday 2020) với chủ đề: “Hợp lực khai phá hiệu suất” đã chính thức khai mạc tại TP HCM.

Khai mạc diễn đàn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, đây là điểm gặp gỡ của ba "nhà" gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà công nghệ, trong đó, nhà công nghệ là những "người hùng thời đại".

Trước khó khăn, điển hình như Covid-19, doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi để sống sót. Chưa bao giờ thay đổi lại diễn ra chóng mặt như vậy. Do đó, theo ông Bình, “hoặc doanh nghiệp bị công nghệ cuốn đi, hoặc doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ”.

Chủ tịch FPT: Nhà công nghệ là những 'người hùng thời đại' - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2020. (Ảnh: Như Huỳnh).

Phân tích cụ thể, tại phiên thảo luận, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty U&I cho hay, công nghệ là vấn đề chung mà tất cả các doanh nghiệp cần đầu tư. 

Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc về các sản phẩm công nghệ. Để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần ứng dụng công nghệ vào quản trị. Với công ty U&I, khả năng học liên tục để ứng dụng công nghệ vào vận hành là yếu tố quan trọng.

Đại diện FPT, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa chia sẻ doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề chuẩn bị về nguồn lực, thay đổi cách thức vận hành để khai thác, vận hành công nghệ.

Theo ông Khoa, khó khăn nhất là thay đổi tư duy, thói quen cũng như tính sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Chẳng hạn trong chuyển đổi số, việc tìm ra được vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là yếu tố mấu chốt.

Chuyển đổi số thành công không có công thức chính xác, quan trọng nhất là ban lãnh đạo có tìm ra được phương pháp luận để thực hiện không. Tuy nhiên theo ông Khoa, kể cả có phương pháp luận, vẫn rất khó để vận hành thành công.

Tại FPT, các nhà lãnh đạo tập đoàn đã áp dụng 3 chữ H gồm Heart (trái tim), Head (đầu), Hand (hành động) để bắt đầu chuyển đổi số. Ở mỗi doanh nghiệp, thành công chuyển đổi số sẽ khác nhau về thời gian và mức độ.

Đây là thử thách mang tính quyết định. Tại những tập đoàn lớn, người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số thường sẽ là người thành công. Đó cũng là những người có tinh thần sáng tạo, tinh thần xông pha và hy sinh.

"Chuyển đổi số là một sự hi sinh. Nếu chấp nhận hi sinh, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công", ông Khoa khẳng định.

Đồng thời, ông Khoa cũng cho rằng con đường chuyển đổi số còn rất nhiều chông gai, doanh nghiệp sẽ phải đổi mặt với nhiều thách thức khi bước đi trên con đường mới và Covid-19 sẽ là dấu mốc cho các doanh nghiệp trên hành trình này.

c - Ảnh 1.

Các diễn giả thảo luận về chủ đề "Khai phá năng lực, tối ưu hoạt động". (Ảnh: Như Huỳnh).

Đồng thời, trả lời cho câu hỏi đâu là những điểm then chốt giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn đặc biệt trong Covid-19, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ, triết lí kinh doanh của doanh nghiệp này là "thoát ra khỏi doanh nghiệp để nhìn đa chiều".

"Khi khách hàng sốc thì Hưng Thịnh cũng sốc và phải nghĩ cách để thấu hiểu những lo toan của khách hàng để đưa ra giải pháp. Tôi cho rằng khách hàng đang quan tâm rất nhiều đến bài toán an toàn tài chính.

Do đó với doanh nghiệp bất động sản phải ưu tiên câu chuyện an toàn vốn. Khách hàng cũng ưu tiên vấn đề sức khỏe, do đó Hưng Thịnh cũng chú trọng yếu tố này khi phát triển dự án", ông Nguyễn Đình Trung nói.

Về vấn đề vận hành nội bộ trong Covid-19, đại diện Hưng Thịnh cho hay tất cả nhân viên đều có cơ hội nêu quan điểm. Trong dịch, tập đoàn này đã thực hiện những cuộc họp online, đây là cơ hội để lãnh đạo nghe nhân viên nói, khi một người nói, tất cả mọi người khác phải cùng lắng nghe, sau đó mới tranh luân.

Đồng thời, việc vận hành được thực hiện theo "4 chữ win" gồm chúng ta thắng, khách hàng thắng, đối tác thắng và cán bộ nhân viên đều thắng.

Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, cho rằng mọi khó khăn của doanh nghiệp chỉ phát sinh từ một trong 4 dạng quyết định lớn gồm con người, chiến lược, vốn và khả năng triển khai. Biết khó khăn nằm ở đâu thì cũng đồng nghĩa biết câu trả lời.

"Con người luôn là yếu tố trung tâm giúp doanh nghiệp xác định và giải quyết vấn đề. Doanh nghiệp không thể đối xử với con người như đối xử với máy móc dù chúng ta tiến bộ đến mức nào", ông Mai Hữu Tín nói.

Ngoài yếu tố con người, ông Trần Thanh Hải, nhà khởi nghiệp công nghệ, cho rằng, trong Covid-19, mảng công nghệ đang tiến nhanh hơn. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng tất cả sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng đồng thời mở rộng cơ hội cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên ông Hải cũng đánh giá, các doanh nghiệp Việt thời gian trước chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, song lại quên chuẩn bị đối phó với các trường hợp khủng hoảng, trong đó Covid-19 là một ví dụ điển hình. 

c - Ảnh 2.

Các gian hàng công nghệ tại FPT Techday 2020. (Ảnh: Như Huỳnh).

Theo ông Hải, khi có những dòng tiền đầu tư vào công nghệ mới, các sản phẩm công nghệ của Việt Nam sẽ sớm đưa ra thị trường thế giới.

Đồng thời, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của fintech, ông Trần Thanh Hải cho rằng ở góc độ đối trọng, các ngân hàng hiện nay cũng đã chuyển mình mạnh mẽ với những bộ phận chuyên về fintech.

Các công ty công nghệ có khả năng đi rất nhanh nhưng ngân hàng vẫn có những thế mạnh đặc thù liên quan pháp lí, nguồn lực. Đây vẫn sẽ là thế mạnh giúp ngân hàng thích ứng và chuyển đổi nhanh chóng.

"Ngân hàng nào có thể thích ứng nhanh, xây dựng sản phẩm liên tục trong một cơ chế linh hoạt sẽ là ngân hàng có thể đi nhanh hơn trên hành trình ứng dụng fintech", ông Trần Thanh Hải khẳng định.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.