Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa

Trong công văn số 55 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ T.Ư đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Công văn nêu nội dung liên quan đến dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Về việc này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thuộc 2 địa phận tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trên toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định; không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. Nếu có phương tiện thủy nội địa mắc cạn, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ bố trí kinh phí của tỉnh để bồi thường và kéo phương tiện thủy nội địa ra khỏi vị trí mắc cạn.

“Để đảm bảo an ninh trật tự nông thôn do các Công ty thực hiện chưa đầy đủ các quy định, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu”, công văn nêu.

Trong diễn biến liên quan, ngày 10/2/2017, UBND tỉnh nhận được đơn kiến nghị của 17 chủ phương tiện tàu thủy phản ánh đoạn sông Cầu có nhiều đoạn cạn, gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa đi lại của các phương tiện tàu thủy. Ngày 11/2/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh làm việc trực tiếp với ông Trần Bình và 16 hộ đồng đứng đơn.

Theo xác định của công an, các phương tiện thủy nội địa lưu thông của 17 chủ phương tiện tàu thủy trên sông Cầu là không đúng quy định về trọng tải. Cụ thể, tuyến sông Cầu (có chiều dài 83km) là sông III, phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300tấn được di chuyển vào; trên toàn tuyến sông Cầu đã cắm đủ các biển báo hiệu trên bờ và cầu, dưới nước và đèn báo hiệu rõ ràng. Toàn bộ 17 phương tiện thủy nội địa trên đều có trọng tải từ 498 tấn đến 888tấn.

Các hộ dân cũng đã nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa và xác nhận việc viết đơn kiến nghị trên là do thiếu hiểu biết, chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật và không có ý kiến gì khác. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, từ đó đến nay, không có phương tiện thủy nội địa nào mắc cạn trên tuyến sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, trong công văn, UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin, ngày 2/3/2017, UBND tỉnh lại nhận được các văn bản: số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22/02/2017; số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 01/3/2017 của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu.

UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các văn bản này không đúng tinh thần buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/02/2017.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện dự án theo Thông báo kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

“Riêng tỉnh Bắc Ninh đề nghị không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu”, văn bản nêu.

Cũng theo văn bản, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.