Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.
Theo ông Đỗ Đức Duy, lẽ ra việc này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, vì đối tượng thanh tra là em trai Bí thư Tỉnh ủy nên để đảm bảo yếu tố khách quan, minh bạch, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc cho minh bạch, khách quan.
“Một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và công bố kết luận thanh tra”- ông Duy nói.
Vì sao chậm công bố kết luận thanh tra?
Chủ tịch tỉnh Yên Bái thừa nhận dư luận cả nước cũng như người dân Yên Bái rất quan tâm và ngóng chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Từ những kiến nghị mà cơ quan thanh tra nêu ra, tỉnh Yên Bái sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật những cá nhân sai phạm nếu có.
“Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước và phù hợp thực tiễn khách quan của tỉnh Yên Bái” - ông Duy khẳng định.
Liên quan đến việc dư luận thắc mắc kết luận thanh tra được công bố chậm trễ, ông Đỗ Đức Duy cho rằng, trong suốt quá trình thanh tra, tỉnh Yên Bái không có bất kỳ đề nghị nào về việc lùi công bố kết luận, dù thời gian qua tỉnh này có 2 trận lũ gây thiệt hại nặng nề.
Đánh giá trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ chi tiết những nội dung còn tồn tại, hạn chế, những vi phạm dù là nhỏ nhất của những cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm, Chủ tịch Yên Bái khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện.
“Ngay sau đây, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp của UBND tỉnh Yên Bái để lên kế hoạch thực hiện những công việc có liên quan. Chúng tôi ghi nhận sự tích cực của các cơ quan báo chí trong thời gian qua sát cánh đưa tin những vấn đề làm được của Yên Bái, đồng thời nêu lên những vấn đề hạn chế để chúng tôi xử lý. Ví dụ cụ thể hôm nay những vấn đề thanh tra chỉ ra là minh chứng. Ngay sau khi có kết quả xử lý kỷ luật các cán bộ sai phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra thì chúng tôi sẽ công khai với các cơ quan thông tấn báo chí”- ông Duy nhấn mạnh.
Cuối cùng, người đứng đầu UBND tỉnh Yên Bái cam kết sẽ thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đảm bảo đúng quy định của pháp luật
Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho rằng việc chưa công bố kết luận thanh tra có những nguyên nhân khách quan.
“Địa phương thời gian vừa rồi gồng mình lên khắc phục thiên tai, chúng tôi cũng phải cân nhắc. Cũng có nguyên nhân chủ quan thuộc về chúng tôi. Còn địa phương chưa bao giờ nói Thanh tra Chính phủ chưa công khai. Chúng tôi được biết, ngay trước khi có kết luận thanh tra, địa phương rất chủ động trong việc họp, chỉ đạo, chấn chỉnh khắc phục những vấn đề cần làm ngay. Chúng tôi đánh giá cao địa phương chủ động chứ không phải chờ chỉ đạo”- ông Lam nói.
Sau buổi công bố kết luận thanh tra, UBND tỉnh Yên Bái đã họp kín để đánh giá tình hình và bàn phương hướng xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan. Cuộc họp này báo chí không được tham dự. Phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã tiếp cận để hỏi thêm thông tin nhưng đều không nhận được phản hồi nào từ Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái cũng như cá nhân ông Phạm Sỹ Quý.
Khu dinh thự hoành tráng đầy rẫy vi phạm của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Ảnh: Toàn Vũ).
Hai vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý mắc hàng loạt vi phạm
Theo kết luận thanh tra, năm 2014 ông Phạm Sỹ Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.
Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.
Sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vào năm 2016 ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai thiếu gần 4.900 m2 đất ở, 27.500 m2 đất nông nghiệp đứng tên bà Huệ; không kê khai tiền vay ngân hàng trên 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện gia đình ông Phạm Sỹ Quý đã ký 4 hợp đồng tín dụng, vay tiền của ngân hàng.
Cụ thể, năm 2014 ký 1 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Yên Bái, số tiền vay 3,8 tỷ đồng, mục đích vay tiêu dùng.
Năm 2015-2016 ký 3 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chinh nhánh Yên Bái với tổng số tiền 9,55 tỷ đồng, mục đích vay tiêu dùng san sạt đất, sửa nhà và xây nhà.
Trong tổng số tiền 13,35 tỷ đồng vay ngân hàng, ông Phạm Sỹ Quý đứng tên vay 8,75 tỷ đồng, vợ ông Quý đứng tên vay 4,6 tỷ đồng. Tài sản thế chấp tại ngân hàng gồm 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ ông Quý và 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trịnh Xuân Điềm, Lê Ngọc Thành, Nguyễn Thị Loan với tổng giá trị đảm bảo được ngân hàng cho vay đánh giá là 19,123 tỷ đồng. Mục đích vay được thể hiện trong các hợp đồng tín dụng.
Ngoài ra, bà Huệ (vợ ông Quý) vay 60 cây vàng của các nhân ở Tổ 54 phường Yên Ninh (TP Yên Bái) thời hạn 4 năm, có giấy vay ghi ngày 6/5/2016. Đến ngày 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng 9,154 tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).
Theo giải trình của ông Quý, trong khoản tiền vay trên, gia đình ông đã sử dụng một phần để xây dựng nhà ở như trang trại của gia đình (hiện đang hoàn thiện), với tổng chi phí khoảng 7 tỷ đồng, gồm mua đất, chuyển đổi mục đích, dựng nhà sàn gỗ, dựng nhà thờ gỗ, xây dựng nhà ở,…
Thanh tra Chính phủ khẳng định, ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ, đã gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
“Những vi phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khu dinh thự hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý cũng có hàng loạt vi phạm, xây dựng một số công trình không phép: 1 nhà thờ gỗ cũ, 1 nhà sàn gỗ cũ, 1 cây cầu bắc qua hồ nước, 1 bếp (chỉ có xác nhận của UBND Phường).
Thanh tra Chính phủ khẳng định việc UBND TP Yên Bái và phường Minh Tân để bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) cùng các hộ gia đình tự phát hình thành khu dân cư tập trung là chưa đúng với nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt tại Nghị quyết số 64/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái; để bà Huệ và các hộ dân làm đường giao thông trên diện tích 4.755m2 đất nông nghiệp đã trả lại Nhà nước, không đúng quy định của pháp luật, thể hiện sự buông lỏng trong quản lý xây dựng.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm của gia đình bà Hoàng Thị Huệ về hành vi xây dựng sai phép, không phép trên khu đất của gia đình.
“Tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Phạm Sỹ Quý về vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng với vai trò người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái”- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Thanh niên rút súng… bật lửa hù đối phương như thiệt
Long dùng bật lửa có hình dạng giống khẩu súng chỉ về hướng Tú và nói “đứng im”. |
Thế Kha - Hồng Ngân
Thời sự 17:33 | 30/05/2019
Thời sự 00:06 | 27/04/2019
Thời sự 19:26 | 23/04/2019
Thời sự 18:22 | 23/04/2019
Thời sự 08:08 | 20/04/2019
Pháp luật 12:23 | 09/04/2019
Giáo dục 15:19 | 02/04/2019
Thời sự 04:07 | 18/02/2019