Chưa thể cân đối vốn mở rộng nhiều tuyến quốc lộ trên cả nước

Quốc lộ 49 qua Thừa Thiên Huế, quốc lộ 43 và quốc lộ 279 Sơn La và nhiều tuyến quốc lộ kết nối các tỉnh Tây Nguyên,... sẽ chưa thể mở rộng, cải tạo trong giai đoạn 2021-2025 do thiếu vốn.

Thời gian qua, cử tri một số tỉnh, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quốc lộ, tuyến cao tốc trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình hiện nay theo Bộ Giao thông vận tải là khó triển khai do chưa bố trí được ngân sách.

Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư fự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 49 đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Chưa thể cân đối vốn mở rộng nhiều tuyến quốc lộ trên cả nước - Ảnh 1.

Quốc lộ 49 qua tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế).

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, vốn ngân sách trung ương rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT… nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư dự án nêu trên.

Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 43 và quốc lộ 279 với tổng chiều dài 121 km, vốn đầu tư khoảng 1.270 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Quốc lộ 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên có chiều dài khoảng 145 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 45 km (từ Km100 - Km144+700). Thời gian qua, tuyến đường đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã giao đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quốc lộ 1B đoạn Km100 - Km144+700 để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. Đến nay, do khó khăn trong cân đối nguồn lực, việc cải tạo dự án này vẫn chưa thể thực hiện.

Chưa thể cân đối vốn mở rộng nhiều tuyến quốc lộ trên cả nước - Ảnh 2.

Thi công đoạn gói thầu số 4 quốc lộ 24. (Ảnh: VOV).

Hay tại khu vực Tây Nguyên, quốc lộ 24 có chiều dài toàn tuyến 168,2 km đã được Trung ương đầu tư 106 km; trong đó, tỉnh Quảng Ngãi 32 km, tỉnh Kon Tum 74 km.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa tỉnh Kon Tum, các tỉnh Bắc Tây Nguyên với khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.

Tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về tiếp tục đầu tư 62,2 km còn lại của quốc lộ 24 với tổng mức đầu tư khoảng 2.040 tỷ đồng. Trong văn bản trả lời kiến nghị tỉnh Kon Tum, Bộ cho biết chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về đề nghị đầu tư nâng cấp và mở rộng quốc lộ 14D đoạn từ Bến Giằng đi cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) - Đắc Tà Oọc (tỉnh Xê Kông) của cử tri tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025.

Như vậy, ngoài các dự án quan trọng, động lực là mục tiêu chính của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải đã được dự kiến bố trí vốn để triển khai theo yêu cầu, hiện vẫn còn nhiều dự án có quy mô không lớn nhưng là các điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông, có nhu cầu đầu tư để phát huy hiệu quả toàn hệ thống vẫn chưa cân đối được trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai.

Giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông vận tải được phân bổ tổng số 304.104 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn nói trên phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.

Như vậy, chỉ còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới; trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc năm chuyên ngành giao thông trong cả 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố.

Điển hình là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến đường bộ cao tốc động lực, kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, các tuyến luồng hàng hải quan trọng; cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam; nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo; phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam, nâng tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; các hành lang đường bộ Đông - Tây kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Bộ Giao thông Vận tải đặt kế hoạch khởi công mới 67 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong số 67 dự án này có 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 TP HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo nguồn vốn ODA.

Bên cạnh đó, 10 dự án nhóm A cũng được Bộ dự kiến khởi công trong 5 năm tới, bao gồm 4 dự án PPP là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây -Tân Phú, Chơn Thành - Đức Hòa, An Hữu - Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2; 5 dự án vốn ODA là cầu Đại Ngãi, mở rộng các cầu trên quốc lộ 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường nối cao tốc Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai, logistics khu vực phía Nam. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn đầu tư 51 dự án khác thuộc nhóm B và C.

Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 trong 10 dự án nhóm A gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.