Theo Bộ GTVT, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này cần thiết và cấp bách. Căn cứ theo các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định 163/2016, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.
Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/12/2023, hai bên nhất trì thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng".
Trong Kết luận số 49 ngày 28/3/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Trung ương Đảng về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có định hướng: "Đến năm 2030: phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hoà-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...).
Trong Kết luận số 72 ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có định hướng: "Ưu tiên nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…".
Còn tại Thông báo 57 ngày 19/2/2024 của Văn phòng Chính phủ có nội dung chỉ đạo: "Trước mắt cần tập trung đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025)".
Trước đó, Bộ GTVT đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng, dài khoảng 380km (kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030.