Chuyện chưa kể của bác sĩ tình nguyện mùa dịch

Báo động cháy nổ, nhậu nhẹt trong khu cách li, cúp điện và nhiều tình huống dở khóc dở cười trong những ngày các bác sĩ tình nguyện đến hỗ trợ tại khu cách li lớn nhất cả nước.

- "Em lên đi. Kíp 1 chịu không nổi rồi. Không có đội trưởng". Bác sĩ Hào nghe ban giám đốc bệnh viện thông báo qua điện thoại.

- Vậy em lên. Nhưng khi nào lên?

- 7h sáng mai.

Lúc đó là 7h tối 20/3. Mệnh lệnh được đưa ra ngắn gọn và khẩn cấp. Bác sĩ Đặng Thanh Hào, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, có chưa đầy 12 tiếng chuẩn bị để lên khu cách li KTX Đại học Quốc gia TP HCM.

Chuyện chưa kể của bác sĩ tình nguyện mùa dịch - Ảnh 1.

Bác sĩ Đặng Văn Hào đọc thư cảm ơn của người cách li (Ảnh: N.T.H).

Khu cách li Khu AH KTX Đại học Quốc gia TP HCM đi vào hoạt động với công suất 7.000 giường đòi hỏi một lượng lớn bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện trong thành phố tới hỗ trợ.

Bệnh viện Ung bướu khi đó đã lên danh sách 23 nhân viên y tế gồm bác sĩ và điều dưỡng phụ trách tòa AH1, AH2 của ký túc xá với công suất 1.700 giường. Dự định ban đầu 23 người này sẽ chia thành 3 kíp trực, mỗi kíp khoảng 7-8 người để luân phiên lên thay ca, giảm áp lực cho các nhân viên y tế. Bác sĩ Hào là đội trưởng của kíp 2 nên chưa bị điều động trong ngày đầu tiên.

Thế nhưng, mọi thứ không như kế hoạch.

Khởi đầu choáng váng

“Như một bãi chiến trường”. Đó là cảnh tượng mà khu cách li chào đón Hào. Hai ngày đầu tiên, KTX đã phải đón hơn 1.000 người đến cách li tập trung.

Từ đêm hôm trước, 7 người của kíp 1 phải đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, thống kê người cách li để nhập liệu không nghỉ cho những đợt xe liên tiếp đổ về khu ký túc xá. Để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người, những người cách li được đưa về phòng theo từng đợt nên công việc càng chậm chạp hơn.

Sáng bác sĩ Hào tới, 300-400 người cách li vẫn ngồi chờ ngoài sân ký túc xá, mỏi mệt sau chuyến bay dài và hàng giờ chờ đợi. Thấy ai cũng đói và khát, trong khi đồ tiếp tế cho khu cách li vẫn chưa kịp đến nơi, mấy thùng bánh và 20 thùng nước uống để dành của các nhân viên y tế đều được bung ra để mọi người chia nhau ăn. Đồ chung trong 1 tháng đã được xài hết trong ngày đầu tiên.

Chuyện chưa kể của bác sĩ tình nguyện mùa dịch - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tập huấn cho dân quân tự vệ trước khi nhận nhiệm vụ (Ảnh: NVCC).

Phải đến chiều tối, việc thu xếp người cách li về phòng mới tạm ổn. Đêm hôm đó, các bác sĩ nhập liệu và rà soát các phòng thì phát hiện có 2 phòng ở cả nam lẫn nữ. Ngay trong đêm, các nhân viên y tế phải lên tách 2 phòng này thành 4 phòng với các tiêu chí nam riêng, nữ riêng và người cùng phòng phải bay cùng chuyến để tránh lây chéo.

Một trong hai phòng nhất định không chịu tách riêng. 5 người này xách vali xuống dưới sân ngồi. Bác sĩ Hào ra thuyết phục không được, cũng đành chịu.

Tới sáng, nhóm này mới chấp nhận tách riêng nhưng thái độ vẫn khó chịu. Đó chỉ là khởi đầu cho đủ chuyện khôi hài những ngày cách li tại đây.

Dở khóc dở cười

23 người phụ trách 1.700 người. Mỗi ngày, ngoài 2 cán bộ chỉ huy lo nhập liệu và giải quyết công việc, 21 nhân viên y tế còn lại đi đo thân nhiệt cho gần 1.700 người ở hai toà AH1, AH2, mỗi tòa 10 tầng. Mỗi ngày đo 2 lần sáng, tối, lần nào cũng phải mất 2 tiếng mới đo xong.

"Làm ở bệnh viện cũng không tới cỡ vậy. Hơn nữa, ở bệnh viện, bác sĩ nói bệnh nhân sẽ nghe, không phản kháng, nhưng ở đây không như vậy", Hào chia sẻ về khó khăn trong thời gian quản khu cách li.

Tương tự, bác sĩ Lê Văn Phương, Phó giám đốc điều hành trực tiếp Khu cách li Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết bản thân chỉ có chuyên môn y tế nên công tác phục vụ cho người cách li như một khách sạn là công việc mới mẻ, chưa từng gặp phải.

"Mấy nghìn người cách li, yêu cầu rất nhiều, phát sinh lung tung. Người chảy máu tay, đau bụng, người có vấn đề buồn bực, thậm chí có trường hợp xảy ra bệnh tâm thần các bác sĩ cũng phải mời chuyên gia đầu ngành tới hỗ trợ", bác sĩ Phương kể.

Chuyện chưa kể của bác sĩ tình nguyện mùa dịch - Ảnh 3.

Các nhân viên y tế đo nhiệt độ 2 lần/ngày cho người cách li (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu, một số người cách li có thái độ khó chịu, không hợp tác và còn tình trạng nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài vào. Nhiều sự cố nhớ lại khiến 2 bác sĩ vẫn còn hốt hoảng.

Khoảng ngày thứ 4 tại khu cách li, bác sĩ Hào đang họp cùng nhiều đội trưởng của các tòa nhà khác và đại diện Sở Y tế. Bỗng chuông báo cháy của cả tòa nhà hú còi inh ỏi, đi kèm âm thanh cảnh báo phát liên tục trên loa: “Hiện tòa nhà đang xảy ra sự cố…”.

Từ phòng họp, bác sĩ Hào nghe rõ tiếng người cách li đang đổ xuống sân trước tòa nhà. Anh vội gọi điện cho các nhân viên y tế, yêu cầu mặc đồ bảo hộ rồi lập tức ra ngoài kiểm tra.

Không thấy có dấu hiệu cháy nổ, Hào cùng một thợ điện đi kiểm tra thì phát hiện báo cháy giả và tắt chuông. Sau đó, nhân viên y tế thông báo trấn an và hướng dẫn từng nhóm người lên phòng, kiểm soát lại tình hình. Sau này điều tra lại thì phát hiện có người hút thuốc nên còi báo cháy mới báo động như vậy.

Dù nội quy trong khu cách li có quy định không hút thuốc nhưng số lượng người cách li quá đông, 23 nhân viên y tế khó bao quát hết nhất cử nhất động của mọi người mà trông đợi nhiều vào ý thức của những người cách li.

Không chỉ hút thuốc, người cách li thậm chí còn… nấu ăn trên phòng khiến cả khu mấy lần bị cúp điện. Họ có cả bếp điện, đồ đun siêu tốc, thậm chí cả tủ lạnh. Do hệ thống điện của tòa nhà không được thiết kế cho việc nấu ăn nên khi nhiều phòng cùng sử dụng bếp điện, bình siêu tốc một lúc khiến hệ thống điện quá tải, cầu dao tự nhảy khiến cả 2 block nhà AH1, AH2 mất điện.

Phải một thời gian các nhân viên y tế mới xác định được nguyên nhân. Từ đó, họ giải thích và khuyến cáo mọi người nếu cần nấu nước thì trực tiếp nhờ y, bác sĩ hỗ trợ chứ không tự đun nấu trên phòng.

Chuyện chưa kể của bác sĩ tình nguyện mùa dịch - Ảnh 4.

Các nhân viên y tế làm tình nguyện tại Khu cách li Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM (Ảnh: N.T.H).

Rào cản ngôn ngữ cũng nhiều lần khiến bác sĩ Phương “méo mặt”. Có trường hợp người Bangladesh nói thứ tiếng gì các cán bộ không ai biết. Cuối cùng, nhờ chính những người cách li cùng phòng tìm cách chuyển tải cơ bản yêu cầu của người này, các bác sĩ mới có thể đáp ứng.

Trường hợp dở khóc dở cười khác là một số người Trung Quốc có cả rượu bia và tổ chức nhậu nhẹt trong phòng. Nhóm này không nói tiếng Anh nên khi dân quân phát hiện, lên yêu cầu dừng thì họ không hiểu. Cả khu lại phải huy động cả người biết tiếng Hoa lên vận động.

Những người bạn mới

Trong thời gian chăm sóc người cách li, các nhân viên y tế ở đây không được làm chuyên môn nhiều mà chủ yếu là chăm sóc và phục vụ nhu cầu người cách li.

Sau 1 tuần đầu bận tối tăm mặt mũi, các bác sĩ, điều dưỡng có thời gian hơn và “ngứa nghề” nên nảy ra ý tưởng làm một bàn tư vấn để trực y tế, nếu người cách li có vấn đề gì về sức khỏe có thể xuống đây yêu cầu bác sĩ hỗ trợ, tư vấn.

Sẵn có bàn tư vấn, trong khi người bệnh thì ít, nhu cầu thiết yếu thì nhiều, nên các nhân viên y tế quyết định kiêm luôn vị trí… nhân viên tạp hóa để phân phát đủ thứ cho người cách li. Tất cả đều miễn phí.

“Người cách li xài sao mình xài vậy. Có hôm các bác sĩ được tài trợ trà sữa cũng chia hết cho người cách li”, bác sĩ Hào vui vẻ kể. Nhờ bàn tư vấn này, các nhân viên y tế dần trở thành bạn của người cách li tại đây.

Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 5 b56f552407c1fc9fa5d0.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 5 b56f552407c1fc9fa5d0.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 6 509435420bdaf084a9cb.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 6 509435420bdaf084a9cb.jpg

Bàn tư vấn sức khỏe kiêm tiệm tạp hóa miễn phí của các bác sĩ, điều dưỡng (trái) và ảnh chụp kỷ niệm của bác sĩ Hào với người cách li (phải) (Ảnh: NVCC).

14 ngày kể từ khi đến khu cách li, lẽ ra bác sĩ Hào cùng 22 nhân viên y tế đã có thể về nhà, bàn giao công việc cho một kíp mới. Thế nhưng, tất cả đều thống nhất ở lại cho đến khi tiễn hết đợt cách li đầu tiên về nhà. Những ngày cuối, không khí tại khu KTX trở nên bịn rịn hơn hẳn.

Người cách li liên tục gửi đến các bác sĩ và điều dưỡng những món quà nhỏ, những lá thư cảm ơn, những cuộc hẹn sau ngày "ra trại" cũng dày đặc hơn. Sau khi khử trùng bên ngoài, các nhân viên y tế lại chia sẻ với những người cách li còn ở lại và chỉ giữ những là thư cảm ơn làm kỷ niệm.

Món quà mà bác sĩ Hào nhớ nhất đến từ 5 bạn trẻ không chịu tách phòng mà anh đã hết sức thuyết phục trong ngày đầu tiên ở khu cách li. Sau những ngày đầu khó chịu, anh cảm nhận họ ngày càng hiểu và thông cảm hơn với công việc của các bác sĩ, điều dưỡng.

Đêm trước ngày rời khu cách li, nhóm bạn trẻ này còn xuống sân hỗ trợ anh dọn rác và bàn ghế. Rồi buổi sáng ra về, họ xếp đồ và rời phòng xuống từ 6h sáng, 1 tiếng trước giờ tập trung, chỉ để xin chụp hình với các nhân viên y tế và gửi 5 lá thư cảm ơn. Nhưng món quà ý nghĩa thực sự với bác sĩ Hào không phải quà hay thư mà là sự thay đổi của nhóm bạn trẻ này sau những ngày ở tại đây.

Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 7 a78b492183b878e621a9.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 7 a78b492183b878e621a9.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 8 7434019dcb04305a6915.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 8 7434019dcb04305a6915.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 9 96f3f65f3cc6c7989ed7.jpg
Chuyen chua ke cua bac si tinh nguyen mua dich hinh anh 9 96f3f65f3cc6c7989ed7.jpg

Những lá thư cảm ơn người cách li gửi lại cho các bác sĩ, điều dưỡng ở khu ký túc xá (Ảnh: BSCC).

"Cảm ơn mấy anh đã chịu thương chịu khó mấy ngày qua. Cảm ơn mấy anh ngày ba bữa chạy lên chạy xuống đưa đồ ăn cho mọi người. Cảm ơn mấy anh thức cả đêm nóng nực sắp xếp phòng cho mọi người".

Đó là những chia sẻ của 1 trong 3 lá thư được đặt trong thùng quà mà các bác sĩ tìm thấy khi dọn dẹp khu cách li ở block A12. Bác sĩ Lê Văn Phương đùa rằng may mà anh em mở ra kiểm tra, không thì cả thư cả quà đều “cuốn theo chiều... rác” hết.

Bác sĩ Phương kể rất nhiều người cách li “đòi” tài trợ cho các bác sĩ, nhân viên y tế, dân quân tự vệ tại khu cách li nhưng nguyên tắc của các cán bộ ở đây là nhất định không nhận. Chắc họ biết vậy nên mới “tiền trảm hậu tấu”, đặt các bác sĩ, điều dưỡng vào thế không nhận không được.

“Dù chỉ là nhìn qua ánh mắt, chúng tôi cảm thấy họ rất hợp tác và thương đội ngũ chúng tôi rất vất vả về họ. Chúng tôi rất tự hào vì những ngày qua đã làm được việc có ích cho người dân, dân tộc mình", bác sĩ Phương tâm sự.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.