Chuyển đổi xanh - Kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia còn hạn chế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp. Khu vực kinh tế này cũng đang sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng vào nền kinh tế quốc gia

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp. Khu vực kinh tế này cũng đang sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng vào nền kinh tế quốc gia. Chính vì thế, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn giản là "khắc phục" các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, mà đúng hơn, đó là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên, thứ mà con người, cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế trị giá 4.500 tỷ USD trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cần góc nhìn mới để tham gia tích cực vào tiến trình này.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai tới nay, kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự là phạm trù hoạt động mà số đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa chú trọng. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cho hay, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tham gia vào kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Cũng có nhiều nguyên nhân và lý do cả về khách quan và chủ quan. Theo đó, có thể do những vướng mắc liên quan tới nguồn lực, nhận thức, năng lực và tầm nhìn về lợi ích của kinh tế tuần hoàn. Nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Bởi vì, hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn đến chậm hơn, không tác động nhanh và mạnh như mong đợi. Cũng có nhiều doanh nghiệp không có khả năng chờ đợi; cũng như là họ có thể đang cần kinh phí để triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn dẫn đến khó khăn do phải xoay xở dòng vốn.

Viện trưởng Nguyễn Hồng Quân phân tích, rất nhiều doanh nghiệp đang vận hành theo cách truyền thống, với tầm nhìn ngắn hạn nên vẫn chưa nhận thấy những thách thức quá lớn của việc không triển khai kinh tế tuần hoàn. Cũng chưa có những áp lực để tạo sức ép buộc họ phải chuyển đổi hoặc có động lực để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh những doanh nghiệp đã triển khai, thấy được giá trị kinh tế tuần hoàn thì còn có một số doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn xuất phát từ việc PR hình ảnh và tạo sức ảnh hưởng trong mối hoạt động quan hệ công chúng; hoặc tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, mà thực tế chưa tính tới, chưa xem xét tới lợi ích môi trường hay về trách nhiệm xã hội của mình.

"Thêm nữa, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; việc truyền thông, thông tin về kinh tế tuần hoàn hay kinh doanh tuần hoàn cũng còn hạn chế; đồng thời, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ...", ông Quân chỉ rõ.

Đồng tình quan điểm, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) cho rằng, hiện tại, ngoài Quyết định 687/QĐ-TTg ban hành ngành 7/6/2022 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ra vẫn chưa có nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể hoặc truyền thông sâu rộng về vấn đề này; cũng như chưa có cơ chế khuyến khích để hỗ trợ và tạo thêm tác động phát triển cho các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp.

Để thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, cần nhiều yếu tố cả từ tự thân bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp; từ các cơ chế chính sách của Nhà nước tới việc triển khai hiệu quả của các địa phương. Theo ông Mạnh, với kinh tế tuần hoàn, việc khó triển khai ngay hoặc khó nhân rộng mô hình phần nhiều cũng vì thói quen và thiếu những động lực thôi thúc. Trước đây, các mô hình cũ như tái chiếm, tái sử dụng cũng đã tồn tại và vẫn triển khai bình thường. Tuy nhiên hiệu quả đem lại là vấn đề cần nghiên cứu và đánh giá cụ thể. Muốn doanh nghiệp thực sự quan tâm và hào hứng tham gia, sẵn sàng đầu tư tài chính để chuyển đổi công nghệ và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn phải có động lực đủ lớn; kể cả lý do như nhân loại phải đối mặt với áp lực về môi trường. Ngoài ra, song song với việc phát triển kinh tế số hiện nay thì nền tảng kinh tế tuần hoàn kết hợp cùng kinh tế số cộng với yếu tố đổi mới sáng tạo cũng sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp thay đổi. Bởi lẽ, đổi mới sáng tạo là giá trị mà mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp tạo ra. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách áp dụng kinh tế tuần hoàn khác nhau, trên nền tảng công nghệ số khác nhau. Và đó có thể sẽ tạo nên sự đa dạng của các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong thời gian tới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.