Hiện trường vụ phóng hỏa |
Khi tội ác ngày một nhiều, thủ đoạn ngày càng man rợ thì những câu chuyện đầy ắp tình người và thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo lại trở nên thật đáng trân trọng. Bị cáo là người ham chơi không chịu làm ăn chăm lo cho vợ con. Từ lúc chị sinh con cuộc sống đôi vợ chồng trẻ lại càng rơi vào cảnh cơm chẳng lành, cảnh chẳng ngọt.
Trần Văn Diệp và chị Thúy Hằng là vợ chồng, vào đầu tháng 4/2014, Diệp và chị Hằng xảy ra mâu thuẫn nên đã ly thân. Diệp về Long An, còn chị Hằng về An Giang để sinh đứa con thứ 2. Sau khi sinh con, chị Hằng tới sống chung cùng bố mẹ tại phòng trọ trên đường Lê Văn Lương (ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM).
Ngày 24/2/2015, Diệp tới phòng trọ thăm vợ con, hai vợ chồng Diệp cự cãi về việc ly hôn. Sau khi bỏ đi, đến khoảng 1h sáng 25/2/2015, Diệp quay về phòng trọ của chị Hằng, dùng 2 đoạn kẽm cột chặt cửa chính phòng trọ từ bên ngoài rồi tưới dầu hôi, phóng hỏa.
Thời điểm ngọn lửa bùng cháy, trong phòng trọ có chị Hằng, đứa con lớn hơn 10 tuổi cùng cha mẹ và em trai của Hằng. Phát hiện khói lửa bao trùm nhưng vì cửa bị khóa bên ngoài nên cả 5 người này không thoát ra được. Khi mọi ngươi giải cứu được các nạn nhân ra ngoài đưa đi cấp cứu thì chị Hằng bị bỏng khá nặng và tử vong sau đó.
Riêng Diệp, gây án xong thì chạy xe lên cầu Phú Mỹ (quận 7) để nhảy sông tự tử. Nhưng do bản thân bị cáo biết bơi, sông lại nhiều lục bình nên ý định bất thành.
Lẽ ra chỉ nên nói chuyện nhẹ nhàng và thông cảm cho nhau, bị cáo lại dùng lửa thiêu chết người vợ mà mình từng yêu thương săn sóc cũng như gia đình vợ.
Nhận định hành vi của mình là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, quyết liệt, cố ý tước đoạt mạng sống người khác, giết trẻ nhỏ... vì vậy TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Diệp mức án tử hình.
Dù đau xót vì mất con nhưng cha mẹ bị hại vẫn tha thiết cầu xin tòa giảm án cho bị cáo. Ngồi lẩn khuất trong đám đông, người thân của bị cáo cúi đầu, chắp tay thay cho lời cảm ơn và tạ tội.
Mỗi lần VKS và HĐXX nhắc đến việc bị cáo đâm con trai mình, đôi vai của bà mẹ run lên bần bật, những tiếng thở nặng như tiếng lòng, không trút vào đâu được.
Ngồi cạnh mẹ của nạn nhân trong suốt phiên tòa, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi đau khi mất đi đứa con gái lớn trong nhà. “Số nó khổ, từ nhỏ đã không được học hành nhiều như người ta mà thay vào đó phải đi làm nhằm phụ giúp gia đình. Vừa lớn nó đã đi lấy chồng tôi chỉ mong con gái có chỗ nương tựa, vợ chồng hạnh phúc nhưng tôi không ngờ...” mẹ chị Hằng ngấn lệ.
Tuy vậy, khi được hỏi có ý kiến gì về mức đề nghị của VKS đối với bị cáo, cha bị hại trả lời: “Tôi luôn mong tòa xử lý nghiêm minh, đúng đắn để răn đe và phòng ngừa tội phạm cho xã hội. Con tôi cũng đã mất rồi nên có oán hận hay thù ghét cũng không được gì cả. Vì vậy, tôi mong tòa xem xét để giảm án cho bị cáo, để bị cáo có ngày về chăm lo cho hai đứa nhỏ. Hai đứa đã mất mẹ tôi không muốn chúng lớn lên thiếu hình bóng người cha”
Nén nỗi đau, người cha nạn nhân nói tiếp: “Đáng tổn thương là điều không tránh khỏi, ai mất con mà không đau đớn nhưng với tinh thần yêu thương, nâng niu con người, chúng tôi sẵn sàng tha thứ và bỏ qua tất cả”.
Dù phiên tòa đã muộn, mẹ bị hại vẫn xin được phát biểu thêm để nói hết nỗi lòng của mình: “Tôi mong tòa dùng pháp luật để trừng trị tội ác nhưng cũng mong tòa dùng chính sự khoan hồng của pháp luật để cảm hóa tâm hồn con người”.
Mặc dù bà cố gắng xin tha chết cho đứa con rể đã sát hại đứa con gái của mình. Nhưng tội ác của Diệp quá lớn không có gì để bù đắp và tha thứ. Mức án tử cho bị cáo là đúng người đúng tội. Không thể cứu được bị cáo mẹ nạn nhân ào khóc nức nở và cho biết sẽ gửi thư lên Chủ tịch nước tha mạng cho Diệp.
Bị cáo Trần Văn Diệp |
Kết thúc buổi xét xử, những người tham dự lặng lẽ rời khỏi phiên tòa. Còn lại cuối cùng là những người thân hai gia đình, nín lặng nhìn nhau, mỗi người một nỗi đau riêng. Thế nhưng, chính tình yêu thương và sự dung thứ của cha mẹ bị hại đã xua đi không khí nặng nề, u ám nơi đây.
Ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Ở nhiều vụ án, chỉ vì một phút nóng giận, chủ quan…, mạng sống của con người đã trở nên rẻ rúng. Bất mãn, tranh chấp, tội ác…, tất cả đều được giải quyết và trừng trị theo công lý, pháp luật. Duy chỉ có nỗi đau và những vết thương lòng. Là ở lại, ngự trị mãi nơi tâm hồn con người. Lúc ấy, chỉ có tha thứ, cảm thông mới xoa dịu được sự đau khổ, ai oán. Cũng chỉ có lòng bao dung và sẻ chia giữa con người với nhau mới có thể xua tan bớt sự hận thù, cảm hóa tội ác và thanh lọc tâm hồn
Giữa cuộc sống hiện tại đầy nhọc nhằn, sóng gió, chúng ta càng nên trao cho nhau tình yêu thương, bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt để xã hội thêm tươi đẹp. Mất mát, tổn thương là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống muôn màu này. Thế nhưng, tình người vẫn luôn cần thiết phải phát huy để hâm nóng tình cảm, sự ấm áp giữa con người với nhau, thứ đang dần nguội lạnh, héo tàn.
La Hồng