Chuyên gia dự đoán thời điểm thị trường nhà ở Hà Nội sôi động trở lại

Trước những diễn biến về nguồn cung, nguồn cầu và giá nhà trong thời gian vừa qua, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng thị trường nhà ở có thể sôi động trở lại nhờ sự cân bằng giữa giá bán và năng lực của nguồn cầu.

Nguồn cung sơ cấp và lượng giao dịch trên đà giảm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch tương đối ít so với thời điểm cuối năm 2021. Đồng thời, nguồn cung sơ cấp ở cả hai phân khúc căn hộ và nhà liền thổ đều ở mức hạn chế.

Cụ thể, theo báo cáo quý II của Savills, số lượng căn hộ sơ cấp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục đà giảm sâu hơn của thị trường sau khi nguồn cung sơ cấp rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây vào thời điểm kết thúc năm 2021.

Thực tế, từ năm 2020, thị trường căn hộ đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chậm lại. Lượng giao dịch và nguồn cung sơ cấp đều có xu hướng giảm. Trong khi nguồn cung giảm 12% theo quý thì lượng giao dịch tụt sâu hơn ở mức 44%.

Xét về phân khúc nhà liền thổ, nguồn cung sơ cấp cũng đang ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua. Cùng kỳ năm 2021 ghi nhận nguồn cung sơ cấp đạt 1.950 căn, nhưng con số này đã giảm xuống một nửa trong quý II/2022. Hoạt động của phân khúc này cũng không duy trì được đà tăng từ quý I. Lượng giao dịch của quý II đã giảm 55% theo quý và 72% theo năm.

Đáng chú ý, thị trường Hà Nội hiện đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ. Các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện hữu đã được hấp thụ hết và nguồn cung mới là không có. 

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, một trong những yếu tố dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung là thủ tục pháp lý kéo dài, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở. Việc kiểm soát tín dụng bị thắt chặt và chi phí xây dựng ngày càng gia tăng cũng là những thách thức mà các chủ đầu tư đang đối mặt.

Giá bán ngày càng gia tăng ở các phân khúc

Ngược với sự chậm lại của nguồn cung và lượng giao dịch, giá nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục đà tăng. Nghiên cứu của Savills đã chỉ ra, kể từ năm 2018, giá bán ở phân khúc căn hộ không ngừng leo thang. 

Giá bán sơ cấp trung bình tăng 10% và giá bán thứ cấp tăng 3% theo năm. Trong đó, sự chênh lệch giữa giá bán sơ cấp và thứ cấp đã tăng từ mức 14% năm 2018 lên 44% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Phân khúc nhà thấp tầng cũng có những bước tiến mới. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng hơn một nửa. 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp, với giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse và liền kề đều tăng quanh mức 20%. Nguồn cung mới hạn chế cùng với giá bán sơ cấp tăng có thể là nguyên nhân khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Savills quan sát rằng giá của biệt thự, liền kề, nhà phố sau thời gian liên tục tăng đã đạt đỉnh và có chiều hướng chững lại. Hiện tượng này liên quan đến mức độ hấp dẫn của sản phẩm, khả năng chi trả của người dân, tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ở những địa phương lân cận.

Theo Savills, thị trường nhà ở có thể sôi động trở lại nhờ sự cân bằng giữa giá bán và năng lực của nguồn cầu. 

“Đà tăng giá đến từ những nguyên nhân khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Những vấn đề về thủ tục, pháp lý, hay chi phí ban đầu cao là cản trở đối với những điều chỉnh lớn trong thị trường. Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện", bà Hằng dự đoán về những biến động thị trường sẽ xảy ra sắp tới.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.