‘Siết vốn quá chặt sẽ gây khó khăn cho thị trường bất động sản và phải giải cứu’

TS Cấn Văn Lực nhận định, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ gây nhiều hệ lụy, thậm chí có thể rơi vào tình trạng phải "giải cứu" giống như thị trường Trung Quốc.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia phát biểu tại tọa đàm. 

Sáng 24/8, tại Tọa đàm: “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra nhiều nhận định về nguồn vốn vào bất động sản Việt Nam hiện nay, đặc biệt là vấn đề tín dụng.

Chuyên gia nhấn mạnh, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, thị trường mất cân đối cung – cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế,…

“Do đó, nếu chúng ta không cẩn thận sẽ giống Trung Quốc, vừa rồi họ siết chặt quá và phải giải cứu. Việc kiểm soát và ứng xử hợp lý là vô cùng quan trọng”, chuyên gia cho biết.

Nói về tín dụng vào bất động sản, vị chuyên gia dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng 14%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 67% (1,58 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 33% (0,78 triệu tỷ đồng).

So sánh tỷ lệ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của các ngành kinh tế 2021 của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và các thị trường bất động sản lớn như Mỹ, Trung Quốc... TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

“Tín dụng bất động sản ở các nước khoảng 30% tổng dư nợ, trong khi tại Việt Nam chúng ta tỷ lệ còn ít, còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Cấn Văn Lực nhận định.

(Ảnh chụp màn hình).

Vị chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, đặc biệt là tại các phân khúc còn thiếu cung, lĩnh vực xây dựng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp…

Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng từ 700.000 đến một triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn (ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng). Chuyên gia kiến nghị, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới, nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn. Đặc biệt, quan tâm rủi ro hệ thống tài chính, chú trọng điều tiết cung - cầu bất động sản.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.