Chuyên gia văn hóa: 'Quyền anh còn dã man hơn chọi trâu'

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng vấn đề của lễ hội Đồ Sơn 2017 nằm ở khâu tổ chức chứ không phải chuyện chọi trâu là nhân văn hay dã man.

Sự việc trâu húc chết chủ tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 đã làm dư luận dậy sóng những ngày qua. Hải Phòng cũng đã gửi công văn hỏa tốc, yêu cầu UBND quận Đồ Sơn tạm dừng tổ chức lễ hội, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, an ninh lễ hội.

Khắp diễn đàn - mạng xã hội, chọi trâu trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Nhiều người cho rằng lễ hội là nét đẹp văn hóa bao đời, bằng mọi giá phải giữ gìn. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng lễ hội chọi trâu không mang tính giáo dục, dã man, thiếu nhân văn. Đặc biệt, ngày càng bị biến tướng, thương mại hóa.

Trước những tranh cãi trái chiều của dư luận, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học Quốc Gia Hà Nội) đã chia sẻ với Zing.vn quan điểm cá nhân về vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa:

chuyen gia van hoa quyen anh con da man hon choi trau

Ông Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Ảnh: tư liệu.

Mọi thứ đều đang 'biến tướng', trong đó có chọi trâu

Người Việt xuất thân cư dân nông, ngư nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đầu tắt mặt tối, hai sương một nắng. Ngày xưa, số đông không biết chữ nên hội hè, trò chơi dân gian có ý nghĩa rất quan trọng, nó làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần.

Trong quá trình sinh hoạt, nhiều trò chơi dân gian có hành động “chọi” được nghĩ ra như chọi trâu, chọi gà, chọi rế, thậm chí trẻ con còn có chọi cỏ gà. Thuở ban đầu, tất cả chỉ là trò chơi xuất phát từ bản năng tự nhiên, chưa thành lễ hội. Nhưng lâu dần, con người nâng thành lễ hội, sáng tạo ra giai thoại, truyền thuyết.

Trâu vốn chỉ tự chọi nhau trên đồng, trên đê sau mùa gặt để xác định con nào là đầu đàn, cai quản con cái. Nhưng sau được tổ chức thành một lễ hội chọi trâu, thu hút sự tham gia của một cộng đồng, khu vực.

Văn hóa thuở xưa là như thế nhưng khi xã hội phát triển, ắt phải có sự thay đổi. Dân cư đông đúc hơn, giao thông thuận lợi hơn, lễ hội chọi trâu trở thành một điểm đến, người ta mua vé, thậm chí chấp nhận vé đắt để vào xem. Trước đây, trâu chỉ được chọn loanh quanh trong vùng nhưng bây giờ chủ trâu sang cả Lào, Campuchia để tìm trâu.

Nhiều người cho rằng lễ hội chọi trâu đang có sự biến tướng tôi thì lại nghĩ hoạt động văn hóa luôn luôn thay đổi theo thời gian. Thể thao, nghệ thuật, phim ảnh, hội họa - mọi thứ đều biến tướng chứ không riêng gì chọi trâu. Người xưa viết tác phẩm văn học không phải để bán nhưng bây giờ có nhà xuất bản, bán – mua thành chuyện bình thường.

Tất nhiên, khi thay đổi sẽ có cả tích cực lẫn tiêu cực. Yếu tố tích cực là ngày nay, với sự phát triển của báo chí, hình ảnh, người dân không cần đến tận nơi vẫn chiêm ngưỡng được lễ hội. Song hành với tích cực luôn nảy sinh sự tiêu cực.

Thịt trâu bị trả giá, đó cũng có thể coi là tiêu cực. Nhưng trong sự vận động của cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận thay đổi. Đó là sự thay đổi có tính quy luật tất yếu theo thời gian.

chuyen gia van hoa quyen anh con da man hon choi trau

Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng hàng rào ở lễ hội chọi trâu quá thô sơ.

Vấn đề ở khâu tổ chức chứ không phải thông điệp

Trên mạng xã hội, tôi thấy có ý kiến phàn nàn về việc trâu thắng hay thua đều bị mang ra xẻ thịt. Thực ra, đây không phải là sự biến tướng vì bản chất lễ hội chọi trâu là như vậy. Con trâu đã thờ cúng thánh thần thì người dân muốn mua thịt về để lấy may, đây là truyền thống từ xưa.

Hành động này cũng giống như người ta đi lễ đền chùa, muốn mang một chút lộc về nhà để lấy khước, lấy may. Đó là gia vị của cuộc sống. Còn khi nhiều người mua, giá thịt tăng lên, đó cũng là điều hiển nhiên của quy luật thị trường.

Nhiều người lại muốn dừng tổ chức lễ hội vì cho rằng chọi trâu là dã man. Theo tôi, nếu nói đến dã man thì quyền anh là dã man nhất vì mang con người ra để chọi nhau. Quyền anh, đua xe tai nạn, đổ máu rất nhiều. Vậy tại sao nó vẫn tồn tại, vẫn được hành triệu người xem trên thế giới?

Quyền anh, chọi trâu – cái nào nhân văn hơn cái nào? Không nói chắc mọi người cũng có câu trả lời. Còn đến cả thả diều cũng có thiếu niên bị diều kéo lên, rơi xuống mà thương vong. Vấn đề là ở cách làm, khâu tổ chức.

Khi tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn, tôi thấy sợ quá. Các chủ trâu dẫn trâu đến tận nơi mới thả, lại loanh quanh trong sân. Hàng rào khá đơn sơ, trâu điên có thể nhảy qua mà lao vào khán giả. Đấu bò ở Tây Ban Nha được làm khuôn chuồng chắc chắn rồi họ mới xua bò vào, đóng kín lại. Chưa chuẩn bị chu đáo, an toàn thì chưa cho chọi.

Nhưng chúng ta chưa làm được điều đó, dẫn đến tai họa đau lòng xảy ra. Từ đó, trên mạng, mọi người “ném đá” sang cả câu chuyện nhân văn hay không nhân văn. Tôi cho rằng chúng ta cứ chạy theo sự ném đá đó thì không được. Phải xác định rõ, vấn đề ở đây là ở cách tổ chức, chứ không phải thông điệp hay ý nghĩa của lễ hội.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.