Chuyển khoản tiền nhầm số tài khoản phải làm sao?

Đôi khi vì sơ suất mà chủ tài khoản chuyển khoản tiền nhầm sang một tài khoản khác. Trong trường hợp này cần phải làm gì?
Chuyển khoản tiền nhầm số tài khoản phải làm sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Phải làm gì khi chuyển nhầm tài khoản?

Đối với người chuyển nhầm, nếu phát hiện chuyển nhầm phải liên hệ ngay với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng. Từ đó yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản chuyển nhầm để xử lý theo quy định.

Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hướng dẫn giải quyết những trường hợp sai sót tại đơn vị khởi tạo lệnh (người chuyển khoản).

Cụ thể, trường hợp tài khoản của khách hàng có đủ số dư thì ngân hàng sẽ lập lệnh thanh toán chuyển trả tài khoản chuyển đến số tiền chuyển thừa, chuyển nhầm.

Trường hợp tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này.

Như vậy, các ngân hàng có trách nhiệm phối hợp để yêu cầu chủ tài khoản chuyển nhầm tiền phải hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm khi có yêu cầu từ khách hàng.

Sau đó, nếu việc hỗ trợ của ngân hàng không có hiệu quả thì người chuyển nhầm có thể làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu trả lại tài sản. Hoặc người chuyển nhầm có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng để tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người được chuyển nhầm.

Nếu khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án,… để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền.

Không trả lại tiền chuyển nhầm có thể bị khởi tố

Về trách nhiệm pháp lý của người nhận chuyển nhầm tiền của người khác: Pháp luật dân sự và pháp luật hình sự hiện hành đều điều chỉnh về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền:

- Từ một triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm

- Từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội:

- Chiếm giữ trái phép tài sản. Khi đó sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 5 năm tù (Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015)

- Sử dụng trái phép tài sản. Khi sử dụng số tiền bị chuyển nhầm trái phép sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam (Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015)

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.