Chuyện ở những 'khu ổ chuột' giữa lòng Thủ đô phồn hoa

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội phồn hoa, những 'khu ổ chuột' tồi tàn, ẩm thấp hiện vẫn là nơi trú chân của nhiều người lao động tha phương cầu thực.
chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
"Khu ổ chuột" dưới chân cầu Long Biên là nơi trú ngụ của hàng trăm người lao động mưu sinh ở chợ đầu mối hoa quả. Ảnh: Di Linh

"Khu ổ chuột" có giá "ổ voi"

Một ngày đầu đông, chúng tôi tới thăm "khu ổ chuột" - nơi trú chân của hàng trăm người lao động nghèo tại phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), phía sau chợ đầu mối hoa quả dưới chân cầu Long Biên.

Con đường nhỏ đầy sình lầy, nước thải bốc mùi hôi thối trong cái nắng hanh hao phía sau chợ là đường tới khu nhà trọ tồi tàn, vá chằng vá đụp bởi đủ thử vật liệu như pro xi măng, bìa cát tông, bao tải...

Thấy tôi lúi húi dựng xe, khóa cổ, anh Lương Xuân Chước (Thanh Miện, Hải Dương) giọng vồn vã kèm theo ngái ngủ: "Chú kia đi đâu? Vào đây thì dắt xe vào chứ để thế tí nữa đi bộ về à?".

Hồ hởi rót nước từ chiếc ấm nhôm đã cũ để mời khách sau khi chúng tôi giới thiệu, anh Chước ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi lên đây cũng 4 - 5 năm rồi. Đêm kéo hàng thuê ở chợ (chợ hoa quả - PV), ngày rảnh rỗi thì chạy xe ôm. Cái xó (nhà trọ) này ở 4 người thuê mất 1,6 triệu đồng đấy chú ạ".

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
Anh Chước trong căn nhà trọ tồi tàn nhưng có giá thuê 1,6 triệu đồng. Nhà trọ cũng là nơi anh cất xe kéo để kéo hàng từng đêm. Ảnh: Di Linh

Được biết, anh Chước có 3 người con, làm ruộng ở quê chẳng đủ sống nên lên Hà Nội kiếm việc làm. Mỗi đêm, anh làm kéo hàng thuê từ 21h hôm trước đến 3h sáng hôm sau tùy chủ thuê.

"Giá cả tùy theo thùng, thùng lớn 5 ngàn đồng, thùng nhỏ thì 3 nhưng có đêm thì chơi vì không có chủ thuê. Mỗi tháng trừ hết chi phí cũng được 5 triệu, hơn ở quê nhiều lắm", anh Chước cho biết.

Anh bảo, ở làng anh, 10 người thì cũng quá nửa đi các nơi kiếm sống chứ làm ruộng trừ "phân tro, giống vốn" có khi còn lỗ.

"Người ta gọi "khu ổ chuột, xóm liều", nghe riết cũng quen. Phải kệ đi mà sống. Mà "nhà ổ chuột" nhưng có khi giá là "ổ voi đấy", người bạn cùng nhà trọ của anh Chước cười buồn khi nghe chúng tôi hỏi.

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
Chị H. (Hà Nam) đang làm sạch phao câu gà xin được ở chợ để nấu ăn. Ảnh: Di Linh

"Ăn phao câu gà, nuôi người nhà chạy thận"

Trông sang dãy nhà trọ kế bên anh Chước, vài người phụ nữ lam lũ đang cắm cúi nấu cơm chiều trên chiếc bếp củi. Thấy tôi nhìn sang, chị H. (Lý Nhân, Hà Nam) cười: "Các chú ở đây ăn cơm, nay có món... phao câu gà".

Nói rồi chị luôn tay nhặt sạch lông hàng chục chiếc phao câu gà xin được ở ngoài chợ - món ăn thường xuyên của chị.

Chị H. kể chị lên Hà Nội cũng đến chục năm nay, làm đủ mọi thứ từ gánh hàng ở chợ, rửa bát, lau nhà thuê để lo cho người chồng chạy thận mỗi tháng tốn gần 10 triệu đồng và 2 đứa con nhỏ đang tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

"Nhà mới bị cắt diện hộ nghèo, khổ lắm chú. Mỗi ngày phải cố làm thêm, cố thêm mãi. Những người khôn, của khó, chẳng biết lo cho anh ấy (người chồng chạy thân - PV) đến được bao giờ", nói rồi chị quay đi lau giọt nước mắt vừa lăn vội.

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
Bà Đạt (67 tuổi), nhiều năm sống bằng nghề dọn nhà, giặt quần áo thuê. Ảnh: Di Linh

"Nó khổ lắm cháu, tháng lo tiền nhà trọ, lo tiền cho chồng con...", bà Đạt (67 tuổi, đồng hương chị H.) bỏ dở câu nói vì nghẹn lời.

Bên kia, mấy người phụ nữ khác đang bàn chuyện cuối năm sửa lại mái nhà ngói ở quê, Tết mua cho con bộ quần áo mới...

"Một tay nhưng vác bao xi măng khỏe lắm"

Rời "khu ổ chuột" dưới chân cầu Long Biên, chúng tôi về quận Cầu Giấy, ghé vào một khu trọ tồi tàn khác gần công viên Cầu Giấy. Nơi đây có chục "nóc nhà" ghép bằng các tấm ván cốt pha, lợp pro xi măng và là nơi che nắng mưa của đội thợ công trình xây dựng sinh sống.

Dựng vội chiếc xe đạp và chẳng kịp rửa tay chân lấm lem xi măng, chị Thảo (Giao Thủy, Nam Định) vội vã đong gạo trong chiếc thùng sơn nham nhở vết răng chuột gặm để nấu cơm tối.

"Chị chủ ở đây thầu xây dựng, khu này cũng do chị ấy dựng lên để cho đội thợ chúng tôi ở, mỗi tháng tốn khoảng 300.000 đồng một người. Lúc nhiều công trình ở đây có tới 50-60 người, ít việc thì cũng khoảng hai chục", cô Thảo kể.

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
Cô Thảo chuẩn bị cơm chiều trong khu trọ được ghép bằng các tấm gỗ cốt pha. Khu trọ cho 50-60 người, đồ đạc treo kín các vách gỗ.

Chiều, đội công nhân sau một ngày phụ xây, bốc vật liệu mệt mỏi về. Có người nằm vật xuống giường là mấy tấm gỗ ghép kê gạch ngủ, chẳng kịp tắm rửa; người xin thuốc lào đắp vết thương vì bất cẩn lúc ban trưa.

Anh Nguyễn Văn Tú (SN 1971, Giao Thủy, Nam Định, có hai người con), bị mất một bàn tay do tai nạn lần bao thuốc nhàu nát trong túi, ngậm ngùi: "Ở quê hết mùa thì có việc gì đâu, lên đây còn kiếm được đồng ra đồng vào".

Được biết, mỗi ngày anh vác xi măng cho công trình xây dựng cũng được gần 200.000 đồng. "Ở quê làm gì ra hả anh", anh Tú phân trần.

"Còn một tay thế anh làm sao nổi?", tôi hỏi.

"Một tay nhưng vác bao xi măng khỏe lắm!", chị Thảo đỡ lời trong khi người cha của hai đứa trẻ mắt đỏ hoe vì khói thuốc "lỡ" bó gối, ngẩn người nghĩ - có lẽ về tương lai...

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa
Chú Nguyễn Văn Tú (Nam Định) bị mất 1 bàn tay do tai nạn. Chú mưu sinh bằng việc bốc vác vật liệu ở công trình xây dựng. Ảnh: Di Linh

Từ chối lời mời cơm tối của những cư dân "đầu tắt mặt tối" mỗi ngày, chúng tôi rời căn nhà trọ tù mù, ban ngày cũng phải bật điện nhưng đang nuôi "những ước mơ con trẻ" đổi đời mà buồn vô cớ.

"Thằng út đang xin lên Hà Nội chơi. Nó xem tivi nói Hà Nội đẹp lắm, nhiều đèn...", tiếng một người đàn bà nghe xa xôi trong nắng chiều.

chuyen o nhung khu o chuot giua long thu do phon hoa Thở cũng đủ mệt giữa 'khu đất vàng' TP.HCM: Không tin nổi họ sống thế nào?

Gọi là những ngôi nhà, chứ diện tích chúng còn nhỏ hơn phòng trọ bình dân. Có nhà nhưng vẫn phải chịu cảnh 'màn trời ...

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.